Thực thi pháp luật về cạnh tranh - Những vấn đề cần bàn
Ngày đăng: 16/11/2020
Chính sách và pháp luật về cạnh tranh, chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ cũng là nền tảng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và đông đảo người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là thực thi các cam kết gia nhập WTO của Việt Nam trong việc mở cửa thị trường cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài, bước vào sân chơi chung toàn cầu.
Trong quá trình xây dựng Luật Cạnh tranh, các Pháp lệnh Chống bán phá giá, Pháp lệnh Chống trợ cấp và Pháp lệnh Tự vệ, cùng các văn bản hướng dẫn thi hành, Bộ Thương mại đã nhận sự quan tâm và tham gia góp ý của các bộ, ngành quản lý nhà nước, các hiệp hội ngành hàng, các chuyên gia từ các trung tâm giảng dạy nghiên cứu pháp luật, các hãng luật trong nước và ngoài nước và toàn thể cộng đồng doanh nghiệp. Sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan nhà nước và đông đảo các tầng lớp xã hội chính là chìa khóa cho thành công trong công tác xây dựng pháp luật, bảo đảm đưa pháp luật đi vào đời sống, thật sự phát huy được tác dụng và hiệu quả. Tuy nhiên, việc xây dựng và ban hành Luật Cạnh tranh, các Pháp lệnh đã khó, việc thực thi hiệu quả để Luật Cạnh tranh đi vào cuộc sống còn khó hơn nhiều, cần có sự nỗ lực từ cả hai phía là các cơ quan nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp.
Về phía Chính phủ và các bộ, ngành, cần triển khai những biện pháp đồng bộ sau:
Tiếp tục phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và đông đảo người tiêu dùng về tầm quan trọng và các yêu cầu thực thi Luật Cạnh tranh; các Pháp lệnh Chống bán phá giá, Chống trợ cấp và Tự vệ trong giai đoạn đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế thông qua quy chế thành viên WTO.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật chuyên ngành về cạnh tranh, chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ và các quy định khác theo hướng nhất quán, phù hợp, không ảnh hưởng môi trường cạnh tranh, không ngăn cản các hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp.
Kiện toàn cơ cấu tổ chức và đào tạo nguồn nhân lực cho các cơ quan thực thi pháp luật... Tại nhiều thành viên của WTO, số lượng người trong các cơ quan chịu trách nhiệm điều tra những vụ việc này lên đến con số hàng trăm người (Hoa Kỳ, Canada, Ấn Ðộ...) trong khi ở nước ta mới chỉ có hơn 20 người. Với công việc còn mới mẻ, đội ngũ nhân sự của Cục Quản lý cạnh tranh chưa có nhiều kinh nghiệm để xử lý và điều tra các vụ việc phức tạp và kéo dài như các cuộc điều tra cạnh tranh, chống bán phá giá, trợ cấp và tự vệ. Vì vậy, cần sớm có chính sách nâng cao năng lực và tăng cường nguồn nhân lực cho Cục để hình thành một đội ngũ cán bộ chuyên môn hóa về xử lý các vụ việc về cạnh tranh chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ.
Xây dựng cơ chế phối hợp công tác giữa Bộ Thương mại và các cơ quan ngành, đặc biệt các ngành có cam kết mở cửa khi gia nhập WTO. Trong quá trình thực thi pháp luật về cạnh tranh, chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ, cơ quan điều tra cần có sự phối hợp chặt chẽ với các bộ trực tiếp quản lý sản xuất để làm rõ hơn về ngành sản xuất, thực trạng cạnh tranh, các vấn đề mang tính chất chuyên môn, thông lệ kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành.
Việc đào tạo nâng cao năng lực về các biện pháp chống phá giá, chống trợ cấp và tự vệ cho đội ngũ cán bộ làm công tác này là hết sức cần thiết và cấp bách, góp phần tăng cường sự hợp tác và hỗ trợ của các bộ, ngành trong việc thi hành các quy định pháp luật liên quan.
Ðối với các địa phương, cần xây dựng phương án, kế hoạch khả thi nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp địa phương, phát huy thế mạnh sẵn có, vượt qua những thách thức. Các cơ quan, đơn vị tại địa phương cũng cần tránh ý thức cục bộ, địa phương chủ nghĩa, đưa ra các chủ trương, chính sách thiên vị làm suy yếu sức cạnh tranh của các doanh nghiệp địa phương, tổn hại đến môi trường kinh doanh chung và trái với những cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO.
TIN TỨC LIÊN QUAN