Một số nội dung cơ bản của Luật Biên Giới Quốc Gia - Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Hà - Học Viện CT - HC Quốc Gia Hồ Chí Minh
Ngày đăng: 16/11/2020
Để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, ổn định lâu dài với các nước láng giềng, ngày 17/6/2003, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội nước Cộng hoà XHCN Việt Nam khoá XI đã thông qua Luật biên giới quốc gia và được Chủ tịch nước Cộng hoà XHCN Việt Nam ký lệnh công bố ngày 26/ 6 /2003.
Luật biên giới quốc gia bao gồm 6 chương và 41 điều.
Chương I: Những quy định chung
Theo điều 1 chương I, biên giới quốc gia của nước Cộng hoà XHCN Việt Nam là đường và mặt thẳng đứng theo đường đó để xác định giới hạn lãnh thổ đất liền, các đảo, các quần đảo trong đó có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, vùng biển, lòng đất, vùng trời của nước Cộng hoà XHCN Việt Nam. Quy định này được đặt ở điều đầu tiên của chương đầu tiên đã khẳng định được tầm quan trọng của nó.
Về phạm vi điều chỉnh, Luật biên giới quốc gia bao gồm những quy định về biên giới quốc gia, chế độ pháp lý về biên giới quốc gia, xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và khu vực biên giới ( điều 2). Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm chấp hành các quy định của Luật biên giới quốc gia và các quy định khác của pháp luật có liên quan ( điều 3).
Biên giới quốc gia được xác định bằng điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập hoặc do pháp luật Việt Nam quy định. Biên giới quốc gia trên đất liền, biên giới quốc gia trên biển, biên giới quốc gia trong lòng đất, biên giới quốc gia trên không đã được quy định khá chi tiết tại điều 5 của Luật biên giới quốc gia.
Về khu vực biên giới, nội thuỷ, vùng nước lịch sử, lãnh hải của Việt Nam đã được quy định tại các điều 6,7,8,9 chương I. Theo quy định của điều 8 Luật biên giới quốc gia, vùng nước lịch sử là vùng nước do những điều kiện địa lý đặc biệt có ý nghĩa quan trọng đối với kinh tế, quốc phòng, an ninh của Việt Nam hoặc của Việt Nam và các quốc gia cùng có quá trình quản lý, khai thác, sử dụng lâu đời được nước Cộng hoà XHCN Việt Nam và các quốc gia hữu quan thoả thuận sử dụng theo một quy chế đặc biệt bằng việc ký kết điều ước quốc tế. Theo điều 9 Luật biên giới quốc gia, lãnh hải của Việt Nam rộng mười hai hải lý tính từ đường cơ sở ra phía ngoài. Lãnh hải của Việt Nam bao gồm lãnh hải của đất liền, lãnh hải của đảo, lãnh hải của quần đảo.
Các điều 10,11,12,13,14 đã quy định khá cụ thể về việc xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, về việc thực hiện chính sách xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, ổn định lâu dài với các nước láng giềng, về chính sách ưu tiên đặc biệt xây dựng khu vực biên giới vững mạnh về mọi mặt…Đặc biệt, điều 14 của Luật biên giới quốc gia đã quy định chi tiết về các hành vi bị ngiêm cấm như xê dịch, phá hoại mốc quốc giới; làm sai lệch, chệch hướng đi của đường biên giới quốc gia; làm đổi dòng chảy tự nhiên của sông, suối biên giới; gây hư hại mốc quốc giới; phá hoại an ninh, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, xâm canh, xâm cư ở khu vực biên giới….Những quy định này là rất cần thiết, nhất là trong tình hình hiện nay, khi vẫn còn không ít những cá nhân có hành vi xâm hại tới an ninh biên giới quốc gia, vận chuyển trái phép, hàng hoá, tiền tệ… qua biên giới quốc gia.
Chương II : Chế độ pháp lý về biên giới quốc gia, khu vực biên giới.
Theo điều 15 chương II, việc xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới quốc gia được thực hiện tại cửa khẩu; việc quá cảnh qua biên giới vào lãnh thổ đất liền, vùng biển, vùng trời phải tuân thủ quy định đi theo các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa, đường hàng hải, đường hàng không; việc qua lại biên giới của nhân dân trong khu vực biên giới được thực hiện tại cửa khẩu hoặc nơi mở ra cho qua lại biên giới.
Cửa khẩu là nơi thực hiện việc xuất cảnh, nhập cảnh, qúa cảnh, xuất khẩu, nhập khẩu và qua lại biên giới quốc gia bao gồm cửa khẩu đường bộ, cửa khẩu đường sắt, cửa khẩu đường thuỷ nội địa, cửa khẩu đường hàng hải và cửa khẩu đường hàng không (khoản 7 điều 4)
Việc mở cửa khẩu và nơi mở ra cho qua lại biên giới, nâng cấp cửa khẩu, đóng cửa khẩu, xác định tuyến đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa, đường hàng hải, đường hàng không dùng cho việc quá cảnh do Chính phủ quyết định theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập ( điều 16).
Các điều 17, 18,19, 20 đã quy định cụ thể về khu vực kiểm soát được thiết lập tại cửa khẩu, về trách nhiệm của tàu thuyền nước ngoài khi thực hiện quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam, về yêu cầu đối với tầu bay bay qua biên giới quốc gia và vùng trời Việt Nam. Theo điều 18, tàu thuyền nước ngoài khi thực hiện quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam phải tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập; tàu ngầm và các phương tiện đi ngầm khác phải đi nổi và treo cờ quốc tịch.
Đi qua không gây hại trong lãnh hải là việc tàu thuyền nước ngoài đi trong lãnh hải Việt Nam nhưng không làm phương hại đến hoà bình, an ninh, trật tự, môi trường sinh thái của nước Cộng hoà XHCN Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam và Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (khoản 9 điều 4).
Các điều 21, 22, 23, 24 quy định khá chi tiết về việc hạn chế hoặc tạm ngừng qua lại biên giới quốc gia, kể cả việc đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam, về dự án xây dựng ở khu vực biên giới có liên quan đến biên giới quốc gia…
TIN TỨC LIÊN QUAN