Một số nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Doanh nghiệp Nhà nước - Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Hà - Học viện CT - HC Quốc gia Hồ Chí Minh

Ngày đăng: 16/11/2020
Luật Doanh nghiệp nhà nước được Quốc hội nước Cộng hoà XHCN Việt Nam khoá IX, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 20 tháng 4 năm 1995. Qua 8 năm áp dụng, Luật Doanh nghiệp Nhà nước ( DNNN) đã có những đóng góp không nhỏ trong việc phát triển các DNNN và các Tổng công ty nhà nước trong nền kinh tế quốc dân.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy những bất cập, hạn chế của Luật DNNN đã và đang được áp dụng. Nhiều quy định trong Luật chưa thực sự tạo cho doanh nghiệp tính tự chủ, năng động, tự chịu trách nhiệm, điều này khiến cho năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động chưa cao của DNNN. Đặc biệt, một số nội dung của Luật DNNN không còn phù hợp với những quy định trong các Luật có liên quan như Luật Thương mại, Luật Doanh nghiệp, các Luật thuế….
Chính vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật DNNN là hết sức cần thiết. Về những nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong Luật DNNN, chúng tôi xin được có một số đóng góp sau:
Thứ nhất, về khái niệm DNNN, theo điều 1 Luật DNNN năm 1995, DNNN là tổ chức kinh tế do Nhà nước đầu tư vốn, thành lập và tổ chức quản lý, hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động công ích, nhằm thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội do Nhà nước giao. Như vậy, theo quy định này, DNNN chỉ bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước đầu tư 100% vốn thành lập. Và nếu theo đúng quy định này thì đối với những DNNN khi tiến hành cổ phần hoá, tức doanh nghiệp đó sẽ không thuộc về một chủ sở hữu - Nhà nước - thì sẽ mang một cái tên khác. Vấn đề này cũng dẫn đến một thực tế là nhiều DNNN khi tiến hành cổ phần hoá, Nhà nước nắm cổ phần chi phối nhưng vẫn không còn là DNNN ! Điều này không hợp lý. Hơn nữa, Nghị quyết TW 3 khóa IX đã ghi, DNNN bao gồm cả loại 100% vốn nhà nước và loại có cổ phần chi phối. Vì vậy, theo chúng tôi, cần thiết phải sửa lại khái niệm DNNN, trong đó DNNN bao gồm cả loại doanh nghiệp do Nhà nước giữ 100% vốn và loại doanh nghiệp có cổ phần chi phối của Nhà nước. Để có thể phân biệt hai đối tượng này, nên gọi các DNNN do Nhà nước đầu tư 100% vốn là các Công ty Nhà nước, gọi các DNNN mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối là các Công ty cổ phần có cổ phần chi phối của Nhà nước (Công ty cổ phần Nhà nước). Do khái niệm DNNN được mở rộng nên đối tượng điều chỉnh, phạm vi điều chỉnh của Luật DNNN cũng cần được mở rộng hơn.
Thứ hai, tên gọi của chương II Luật DNNN nên sửa lại là " Quyền và nghĩa vụ của Công ty Nhà nước". Các quy định trong Chương II của Luật DNNN năm 1995 nhìn ở một khía cạnh nào đó đã làm mất tính tự chủ, năng động của các DNNN, tạo cho các DNNN một ưu thế hơn hẳn so với các doanh nghiệp ở các thành phần kinh tế khác, vì vậy một phần đã làm yếu đi tính cạnh tranh của các DNNN. Do đó, theo chúng tôi, để tạo sự bình đẳng cho các DN trong nền kinh tế, chương II Luật DNNN cần có những quy định mới, có cái nhìn mạnh dạn hơn đối với các DNNN. Cụ thể là, cần có quy định rõ về vốn, tài sản của Công ty Nhà nước và vốn, tài sản của Nhà nước. Theo đó, vốn của công ty bao gồm vốn nhà nước đầu tư tại công ty và vốn do công ty tự huy động. Vốn nhà nước đầu tư tại công ty bao gồm vốn từ ngân sách nhà nước, vốn do cơ quan đại diện chủ sở hữu huy động để đầu tư cho công ty và vốn công ty tự tích luỹ. Công ty có quyền huy động, quản lý, sử dụng các nguồn vốn và tự chịu trách nhiệm hoàn trả, bảo toàn và phát triển các nguồn vốn, có quyền thay đổi cơ cấu tài sản để phát triển kinh doanh…
Quy định cụ thể và rõ ràng này sẽ góp phần tạo tính tự chủ và năng động cho các DNNN. Việc quy định quyền được huy động nguồn vốn, tự chịu trách nhiệm về nguồn vốn sẽ giúp cho các DNNN mạnh dạn hơn trong đầu tư sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, công ty nhà nước có quyền chiếm hữu, sử dụng vốn, tài sản của công ty để kinh doanh hoặc thực hiện các lợi ích hợp pháp từ vốn và tài sản của công ty. Riêng quyền định đoạt đối với phần vốn và tài sản của công ty cần có quy định cụ thể trong Luật.
Thứ ba, tên gọi của chương III Luật DNNN nên sửa lại là " Thủ tục thành lập, đăng ký kinh doanh công ty nhà nước". Theo định hướng của Nghị quyết TW 3 khóa IX về ngành nghề, lĩnh vực thành lập mới DNNN, chỉ thành lập mới DNNN 100% vốn Nhà nước ở những ngành và lĩnh vực thuộc độc quyền Nhà nước, ở địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn hoặc thành lập mới ở ngành, lĩnh vực, địa bàn để cung cấp sản phẩm, dịch vụ thiết yếu cho xã hội mà các thành phần kinh tế khác không đầu tư. Theo định hướng này, những quy định trong chương III Luật DNNN cũng cần phải được sửa đổi. Mặt khác, trong quy trình thành lập theo Luật DNNN hiện hành đang tồn tại một bất hợp lý.
Đó là, đầu tư xây dựng cơ bản xong mới chuyển sang thành lập doanh nghiệp, điều này chưa gắn kết trách nhiệm giữa khâu đầu tư xây dựng cơ bản với khâu quản lý, điều hành DNNN sau khi hoàn thành giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản. Người quyết định đầu tư xây dựng cơ bản không phải là người quản lý, vận hành DNNN sau đầu tư nên đã không có trách nhiệm về hậu quả của quyết định đầu tư, mua sắm thiết bị, phương tiện hoạt động, trong khi đó người tiếp quản DNNN, quản lý, vận hành doanh nghiệp lại phải chịu hoàn toàn những hậu quả mà quá trình đầu tư xây dựng doanh nghiệp ban đầu mang lại. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng cơ sở vật chất, trang bị phương tiện làm việc trong các DNNN còn thấp trong thời gian vừa qua, ảnh hưởng lớn tới hiệu quả hoạt động của DNNN. Chính vì vậy, Luật DNNN cần phải có một sự sửa đổi hợp lý hơn ngay từ khâu thành lập DNNN, cụ thể là không nên tách riêng hai quyết định: quyết định đầu tư và quyết định thành lập DNNN. Sau khi có quyết định thành lập mới tiến hành triển khai các thủ tục xây dựng, cấp vốn, huy động vốn và các thủ tục khác.
TIN TỨC LIÊN QUAN

Danh mục chính

Tin tức nổi bật

Thống kê truy cập

Đang xem: 15 lượt

Tổng số đã xem: 1544770 lượt

090 574 6666