Thỏa thuận cổ đông: Một nội dung mới cho pháp luật doanh nghiệp Việt Nam - TS. Nguyễn Quốc Vinh - Học viện Tư pháp - Bộ Tư pháp

Ngày đăng: 16/11/2020
Trên thế giới, một điều chắc chắn là, không có đáp án chung cho câu hỏi về tính hiệu lực và có thể thi hành của thỏa thuận cổ đông khi nó trái với điều lệ hoặc pháp luật về doanh nghiệp.
1. Thỏa thuận cổ đông là gì?
 
Tình huống thứ nhất: Vì giá cổ phiếu của doanh nghiệp liên tục đi xuống nên các thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) của một công ty niêm yết (Công ty A) thỏa thuận với nhau rằng, để hạn chế tình trạng xả hàng khiến giá cổ phiếu càng xuống thấp, họ sẽ cùng nhau không bán số cổ phiếu mà mình nắm giữ trong thời hạn, ví dụ, 06 tháng.
 
Tình huống thứ hai: Một nhà đầu tư X (có thể là nhà đầu tư trong nước hoặc nước ngoài) dự định đầu tư vào một công ty cổ phần (Công ty B) dưới hình thức mua cổ phần của Công ty B (và có thể của cả một số cổ đông hiện hữu của Công ty B). Để tránh tình trạng các cổ đông khác tháo chạy khỏi doanh nghiệp, một trong những điều kiện mà nhà đầu tư X đặt ra với Công ty B là nhà đầu tư và toàn bộ cổ đông hiện hữu của Công ty B sẽ giao kết một thỏa thuận trong đó quy định rằng, nếu một cổ đông muốn bán toàn bộ hoặc một phần số cổ phần mà cổ đông này sở hữu trong Công ty B cho một bên thứ ba nào khác thì cổ đông này phải chào bán số cổ phần dự định bán cho nhà đầu tư X trước.
 
Tình huống thứ ba: Một nhà đầu tư Y (thường là nhà đầu tư nước ngoài) dự định đầu tư vào một doanh nghiệp (Công ty C) dưới hình thức mua cổ phần của doanh nghiệp này (nếu Công ty C là công ty cổ phần) hoặc phần vốn góp của một thành viên của doanh nghiệp (nếu Công ty C là công ty trách nhiệm hữu hạn). Để tránh tình trạng tiền vốn của mình bỏ vào doanh nghiệp có thể thất thoát dưới hình thức này hoặc hình thức khác, nhà đầu tư đặt điều kiện cho việc mua cổ phần (hoặc phần vốn góp) của mình là nhà đầu tư và toàn bộ các cổ đông (thành viên) khác cùng Công ty C giao kết một thỏa thuận trong đó quy định rằng, một số vấn đề nhất định (như ví dụ dưới đây) trước khi được đem ra thảo luận và biểu quyết tại HĐQT hoặc đại hội đồng cổ đông (hoặc hội đồng thành viên) của công ty thì phải có sự chấp thuận trước của nhà đầu tư Y. Nói cách khác chỉ khi nhà đầu tư cho phép thì những vấn đề đó mới được đem ra thảo luận và biểu quyết tại đại hội đồng cổ đông hoặc HĐQT. Những vấn đề này có thể bao gồm:
 
(a) Việc sửa đổi điều lệ hoặc tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp;
 
(b) Việc sử dụng vốn huy động từ khoản tiền đầu tư của nhà đầu tư Y;
 
(c) Việc bán hoặc các hoạt động liên quan đến việc bán tài sản hoặc nhóm tài sản của doanh nghiệp có giá giao dịch bằng hoặc cao hơn, ví dụ 20% giá trị tổng tài sản của doanh nghiệp tính theo báo cáo tài chính năm trước, hoặc doanh nghiệp giao kết hợp đồng mà có giá trị bằng hoặc lớn hơn 20% giá trị tổng tài sản của mình;
 
(d) Việc doanh nghiệp mua cổ phần hoặc chứng khoán của doanh nghiệp khác;
 
(e) Việc thay đổi số lượng cổ phần phát hành, hoặc phát hành thêm cổ phần, hoặc phát hành loại cổ phần mới, hoặc thay đổi các quyền của bất kỳ loại cổ phần nào của doanh nghiệp (nếu Công ty C là công ty cổ phần);
 
(f) Việc thanh toán cổ tức (phân chia lợi nhuận);
 
(g) Việc thưởng cho nhân viên hoặc người quản lý của doanh nghiệp bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu mà lớn hơn, ví dụ, 10% tổng mức lương cơ bản hàng năm cho nhân viên;
 
(h) Doanh nghiệp thực hiện giao dịch ngoài công việc kinh doanh thông thường;
 
(i) Thay đổi công ty kiểm toán của doanh nghiệp.
 
Về cơ bản, quan hệ giữa các cổ đông (thành viên) với nhau và giữa cổ đông với công ty được điều chỉnh bởi các văn kiện hay tài liệu công ty như điều lệ, hợp đồng liên doanh v.v... Tuy nhiên, trong trường hợp một công ty có số cổ đông (thành viên) tương đối nhỏ (1)  thì ngoài các văn kiện công ty kể trên, các cổ đông hay thành viên công ty có thể tự xây dựng cho mình những thỏa thuận riêng với nhau và tồn tại song song với các văn kiện công ty. Các thỏa thuận này có thể bổ sung vào các điều khoản của văn kiện công ty hoặc thậm chí quy định khác đi (trái với) văn kiện công ty và khác (trái) với các quy định của pháp luật doanh nghiệp. Ba tình huống liệt kê trên đây là các thỏa thuận loại này và được gọi chung là thỏa thuận cổ đông - đối với công ty cổ phần - hoặc thỏa thuận thành viên - đối với công ty trách nhiệm hữu hạn (sau đây được gọi chung là thỏa thuận cổ đông). Trên thực tế thì nội dung của các thỏa thuận cổ đông không chỉ bao gồm 03 thỏa thuận trên mà nó đa dạng hơn nhiều (2).
 
Việc các bên xây dựng thỏa thuận cổ đông vì nó có những ích lợi cơ bản sau (3):
 
a) Văn kiện công ty thông thường phải công khai, công chúng có quyền tham khảo văn kiện như điều lệ của một công ty. Trong khi đó, thỏa thuận cổ đông mang tính chất là thỏa thuận riêng nên được giữ kín, không phải công khai.
 
b) Văn kiện công ty thường không bảo vệ tối đa quyền lợi của cổ đông thiểu số nên thỏa thuận cổ đông được lựa chọn làm giải pháp cho vấn đề này (4).
 
c) Thỏa thuận cổ đông có tính thay đổi thường xuyên hơn văn kiện công ty nên để tránh việc xáo trộn trong văn kiện công ty, cổ đông thường xây dựng cho mình thỏa thuận cổ đông chứ không quy định hẳn vào điều lệ (5).
TIN TỨC LIÊN QUAN

Danh mục chính

Tin tức nổi bật

Thống kê truy cập

Đang xem: 10 lượt

Tổng số đã xem: 1384727 lượt

090 574 6666