Nghề "Luật sư" trong nền kinh tế thị trường - Theo tác giả giobuihathanh - http://www.diendanphapluat.vn
Ngày đăng: 16/11/2020
Kinh doanh ngày nay đòi hỏi doanh nghiệp phải chú trọng hơn đến pháp luật. Từ đó các luật sư cũng trở nên “bận rộn” hơn và “giàu có” hơn. Một luật sư có thể tư vấn cho hàng chục doanh nghiệp khác nhau trong một buổi sáng. Vậy, liệu sự “bận rộn” và những “đồng tiền công tư vấn” ngày một cao có làm nghề luật sư thành một nghề “kinh doanh vì lợi nhuận”.
Khi bàn về đạo đức nghề nghiệp luật sư trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, có nhiều nhận thức và quan niệm khác nhau. Tổng hợp lại, nổi lên có hai khuynh hướng đáng phải suy nghĩ. Có khuynh hướng cho rằng, trong cộng đồng xã hội nghề nào cũng đòi hỏi người làm nghề phải có lương tâm, trách nhiệm đối với nghề của mình trước xã hội. Như vậy, có cần phải đặt “Đạo đức nghề nghiệp luật sư” thành vấn đề riêng biệt không?
Khuynh hướng khác lại cho rằng, trong thời buổi kinh tế thị trường, mọi ngành nghề trong xã hội đều mang tính cạnh tranh nhằm thu lợi nhuận cao nhất. Hoạt động luật sư là một nghề giống như mọi nghề khác, cùng chịu sự chi phối của quy luật thị trường. Việc đặt “Đạo đức nghề nghiệp luật sư' thành một vấn đề riêng biệt là không tưởng. Hai khuynh hướng trên, tuy có nhưng khía cạnh khác nhau nhưng suy cho cùng lại có chung một là không coi trọng đạo đức nghề nghiệp luật sư ở khuynh hướng thứ hai còn đánh đồng nghề luật sư như mọi nghề khác, tức là “coi nhẹ” danh dự nghề luật sư.
Ai cũng biết rằng, người ta bất cứ làm nghề gì cũng đều phải có lương tâm, trách nhiệm đối với việc làm của mình. Nhưng, do quy luật sinh tồn và phát triển không đồng đều nên mỗi ngành nghề khác nhau đều có tính chất khác nhau, đòi hỏi lương tâm, trách nhiệm, đạo đức của người làm nghề có sự khác nhau, không ai có thể đánh đồng được.
Trong kinh doanh, các doanh nhân đương nhiên phải tính toán sao cho có lợi nhuận. Nhưng, khoản lợi nhuận ấy phải do bàn tay khéo léo và khối óc thông minh tạo ra, nó không thể có sự gian dối. Đó là đạo đức của người kinh doanh chân chính. Và người làm nghề luật sư cũng giống như mọi người làm nghề khác ở chỗ: có học, được đào tạo thành người có đủ phẩm chất. “Chân, Thiện, Mỹ”, cũng đòi hỏi có khối óc thông minh và tấm lòng ngay thẳng, nhân hậu. Nhưng nghề luật sư lại có đặc thù riêng, đó là phải gắn liền với mọi lãnh vực pháp luật của Nhà nước. Các ngành nghề khác chỉ quan hệ đến một vài lĩnh vực pháp luật có liên quan mà thôi.
Hoạt động nghề nghiệp của luật sư trên thương trường, qua thực tiễn cho thấy nổi lên ba tính chất: Trợ giúp, hướng dẫn và phản biện.
Tính chất trợ giúp:
Ngày nay, kinh tế đang phát triển rất mạnh. Doanh nghiệp được hình thành ngày một nhiều. Có những doanh nghiệp kinh doanh nhưng thật sự chưa hiểu hết pháp luật, họ kinh doanh theo cách riêng của mình mà quên đi yếu tố điều chỉnh khá quan trọng đó là các quy định pháp luật về kinh doanh.
Chỉ cần một hoạt động kinh doanh “lệch” khỏi “đường ray” pháp luật thì doanh nghiệp rất dễ phải trả giá. Chính điều này đòi hỏi tính chất trợ giúp của Luật sư. Các doanh nghiệp nếu không có một Phòng pháp chế thì chí ít cũng nên có những luật sư để trợ giúp.
Tính chất hướng dẫn:
Do tính chất nghề nghiệp đòi hỏi luật sư không chỉ thông hiểu pháp luật hiện hành mà còn hiểu biết cả tinh thần, nội dung những quy định của pháp luật ở từng thời điểm của thời gian đã qua, Luật sư còn phải hiểu sâu rộng cả tục lệ và bản sắc văn hoá của dân tộc.
Mọi doanh nghiệp hiểu và nghĩ về luật sư như vậy, cho nên mỗi khi bản thân vị giám đốc hoặc doanh nghiệp có điều gì vướng mắc đều tìm đến luật sư, nhờ luật sư tư vấn. Vì vậy, hoạt động của luật sư luôn luôn có tính chất hướng dẫn. Yêu cầu của hoạt động này là hướng dẫn cho đương sự hiểu đúng tinh thần và nội dung của pháp luật để biết cách xử sự tháo gỡ vướng mắc của họ phù hợp với pháp lý và đạo lý.
Tính chất hướng dẫn của luật sư khác hẳn với việc làm của loại “thầy cò thầy kiện” mà xã hội thường khinh ghét. Hoạt động hướng dẫn của luật sư là sự chỉ dẫn cái đúng, cái sai, việc gì được làm, việc gì không được làm. Đối với doanh nghiệp vi phạm pháp luật, tuy chức năng của luật sư không phải là lên án, buộc tội doanh nghiệp trước công chúng nhưng luật sư phải chỉ cho doanh nghiệp thấy rõ sự sai trái của họ, từ đó giúp doanh nghiệp có phương hướng kinh doanh đúng đắn. Nếu có căn cứ để tin rằng doanh nghiệp “không có tội” thì luật sư phải sử dụng mọi biện pháp do pháp luật quy định nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh bình thường của doanh nghiệp.
TIN TỨC LIÊN QUAN