Hoàn thiện các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về quyền, Nghĩa vụ của bị can, bị cáo và cơ chế bảo đảm thực hiện - ThS Chu Thị Trang Vân, Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội
Ngày đăng: 16/11/2020
Trong lịch sử pháp luật tố tụng hình sự (TTHS) trước đây, vị trí pháp lý của bị can, bị cáo chưa được xác định rõ ràng nên họ thường bị coi là có tội và một khi đã bị coi là có tội, mặc nhiên số phận của họ là số phận của kẻ bị tước phần lớn các quyền công dân (1). Hiện nay, với nguyên tắc coi bị can, bị cáo là những người chưa có tội nên pháp luật TTHS đã dành cho họ nhiều quyền trong suốt các giai đoạn tố tụng.
Mục đích của những quy định này không phải thiên về lợi ích của những người bị nghi là có tội hay làm suy yếu đi cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm của các cơ quan chức năng, mà chính là đòi hỏi các cơ quan đó và những người tiến hành tố tụng trong mọi hoạt động tố tụng phải thận trọng, vô tư và đề cao tinh thần trách nhiệm làm rõ các chứng cứ buộc tội cũng như gỡ tội, làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án, tránh làm oan người vô tội và bỏ lọt người phạm tội. Nghiên cứu này tập trung vào phân tích luật thực định cũng như đánh giá thực trạng thực hiện pháp luật liên quan đến các quyền và nghĩa vụ của những người “chưa bị coi là có tội” đó. Họ gồm người bị tạm giữ, bị can và bị cáo.
1. Cơ chế bảo đảm thực hiện các quyền và nghĩa vụ của bị can, bị cáo trong TTHS
Đề cập tới cơ chế đảm bảo thực hiện quyền và nghĩa vụ của bị can, bị cáo trong TTHS tức là đề cập đến những trình tự, thủ tục pháp lý cụ thể cũng như trách nhiệm của các chủ thể có liên quan bảo đảm cho việc triển khai các quyền và nghĩa vụ pháp lý của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trên thực tế. Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003 quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng, nhất là xác định trách nhiệm cụ thể của từng chức danh tố tụng như Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện kiểm sát, Chánh án, Phó Chánh án Toà án từ Điều 34 đến Điều 41. Với những quy định này, các quyền của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo được bảo đảm thực hiện. Bất kỳ sự không thực hiện, thực hiện không đúng hay không đầy đủ chức trách của những người tiến hành tố tụng sẽ là sự vi phạm vào các quyền của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Tương ứng với mỗi quyền mà pháp luật quy định cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là nghĩa vụ tương ứng của các chủ thể tiến hành tố tụng.
Người bị tạm giữ, bị can hay bị cáo chỉ là các tên gọi khác nhau của cùng một người khi ở các giai đoạn tố tụng khác nhau. Do vậy, ngoài những quyền riêng có của từng đối tượng thì họ đều có chung các quyền khi ở các giai đoạn khác nhau. Chẳng hạn, liên quan đến những quyền riêng, người bị tạm giữ được biết lý do mình bị tạm giữ; quyền của bị can được biết mình bị khởi tố về tội gì. Việc pháp luật quy định bị can được biết mình bị khởi tố về tội gì là biểu hiện sự công minh của pháp luật. Quy định này buộc cơ quan tiến hành tố tụng phải thận trọng và chỉ khi có đủ căn cứ để xác định một người đã thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự (BLHS) ngăn cấm mới được ra quyết định khởi tố bị can.
Đối với quyền tham gia phiên toà của bị cáo, đây không những là quyền mà còn là vấn đề có tính nguyên tắc. Chính tại phiên toà, quyền bình đẳng giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng được thể hiện rõ nhất. Có thể nói, quyền tham gia phiên toà của bị cáo và quyền bình đẳng trước phiên toà trong việc đưa ra các chứng cứ, yêu cầu và tranh luận giữa kiểm sát viên (KSV) với những người tham gia tố tụng, trong đó có bị cáo là hai mặt của một vấn đề. Nếu không thực hiện đúng quy định bình đẳng này thì việc quy định quyền tham gia phiên toà của bị cáo cũng chỉ mang tính hình thức (2).
Để bảo đảm cho bị cáo thực hiện quyền được nói lời sau cùng trước khi nghị án, BLTTHS quy định tại Điều 220 với nội dung không hạn chế thời gian đối với bị cáo khi họ trình bày những lời cuối cùng trước khi Toà án nghị án để phán quyết đối với họ. Không được đặt câu hỏi đối với họ. Nếu họ trình bày thêm những tình tiết mới có ý nghĩa quan trọng đối với vụ án, Hội đồng xét xử phải quyết định trở lại phần xét hỏi.
Quyền kháng cáo bản án và quyết định sơ thẩm là một quyền quan trọng của bị cáo. Trình tự, thủ tục kháng cáo và trách nhiệm của các chủ thể tiến hành tố tụng bảo đảm cho bị cáo thực hiện quyền này được quy định từ Điều 231 đến Điều 240 của BLTTHS. Việc kháng cáo của bị cáo đối với các quyết định hoặc bản án sơ thẩm sẽ dẫn đến hậu quả pháp lý là khi có kháng cáo thì bản án sơ thẩm chưa được đem ra thi hành. Việc tạm đình chỉ thi hành một phần hay toàn bộ bản án hoặc quyết định bị kháng cáo là tuỳ thuộc vào nội dung kháng cáo. Ngoài ra, khoản 2, Điều 255 BLTTHS quy định trường hợp mà bị cáo đang bị tạm giam mà Toà án cấp sơ thẩm quyết định đình chỉ vụ án, không kết tội, miễn trách nhiệm hình sự (TNHS), miễn hình phạt cho bị cáo, tuyên các hình phạt không tước tự do hoặc tuyên án tù nhưng thời hạn ngắn hơn (hoặc bằng) thời hạn tạm giam thì bản án hoặc quyết định của Toà án sơ thẩm được thi hành ngay, mặc dù vẫn có thể bị kháng cáo (hoặc kháng nghị).
Đối với các quyền chung mà người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đều có như quyền được giải thích rõ quyền và nghĩa vụ, pháp luật đã quy định trách nhiệm của người tiến hành tố tụng khi áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt người, tạm giữ và tạm giam đều phải giải thích cho đối tượng bị áp dụng các quyền và nghĩa vụ pháp lý của họ. Trong các văn bản áp dụng PLTTHS (các lệnh bắt, luyết định tạm giữ hay lệnh tạm giam) đều phải đọc, giải thích rõ cho đối tượng. Trong quyết định khởi tố bị can phải ghi rõ tội danh, điều khoản luật được áp dụng đối với bị can. Nhằm mục đích bảo đảm tính khách quan của quá trình điều tra, xét xử, pháp luật quy định cho họ quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng. Đây là sự thể hiện nguyên tắc cơ bản trong hoạt động TTHS “bảo đảm sự vô tư của những người tiến hành tố tụng” (Điều 14 BLTTHS) với nội dung người tiến hành tố tụng không được tiến hành tố tụng nếu có lý do xác đáng để cho rằng, họ không vô tư trong khi thực hiện nhiệm vụ của mình. Những lý do xác đáng đó cũng được pháp luật dự liệu trước và quy định cụ thể tại Điều 42 BLTTHS về những trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi người tiến hành tố tụng.
TIN TỨC LIÊN QUAN