Hạ lãi suất cơ bản: Cần đi kèm với chống đầu cơ USD

Ngày đăng: 16/11/2020
Động thái hạ lãi suất cơ bản sẽ gây áp lực lên tỉ giá VND/USD. Mặt khác, lãi suất tiết kiệm giảm sẽ khuyến khích người dân đầu cơ vàng hoặc ngoại tệ, trong đó kênh ngoại tệ thường được ưu ái hơn.
Về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển.
 
Có ý kiến cho rằng không nên thực hiện bù lãi suất (LS) mà nên giúp NH giảm LS cho vay bằng cách giảm LS tái cấp vốn, tái chiết khấu. Quan điểm của ông thế nào?
 
Hạ LS cho vay để giảm chi phí vốn cho DN là giải pháp các nước vẫn áp dụng để kích thích tăng trưởng kinh tế. Để thực hiện việc này hầu hết các nước sử dụng công cụ chính sách tiền tệ. Ở VN, Chính phủ chủ trương sử dụng cả công cụ chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá để giảm LS cho vay đối với các DN: Giảm LSCB, qua đó giảm trần LS cho vay và sử dụng chính sách tài khoá, dùng ngân sách bù LS cho các DN, mức bù là 4%. Phương thức thứ hai này không được nhiều chuyên gia kinh tế đồng tình, họ cho rằng giảm LS cho vay là đúng nhưng phải dùng chính sách tiền tệ thông qua việc giảm LS tái cấp vốn, tái chiết khấu của NH Nhà nước (NHNN). Xét về mặt lý thuyết, ý kiến này hoàn toàn đúng. Nhưng với thực tiễn nước ta, con đường giảm LS tương đối hạn hẹp. Bởi vì giảm LS cho vay thì phải giảm LS huy động, trong khi lạm phát tuy đã giảm mạnh nhưng so với cùng kỳ vẫn ở mức cao và nguyên nhân của lạm phát chưa được loại trừ, cán cân thương mại bị thâm hụt nghiêm trọng nếu giảm LS huy động người dân sẽ không gửi tiết kiệm mà đầu cơ đôla trong điều kiện nền kinh tế đang bị đôla hoá cao như ở VN sẽ tạo nên sức ép rất lớn về tỉ giá mà ta sẽ rất khó kiểm soát. Trong tình hình đó, việc kết hợp sử dụng cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá để có LS cho vay thấp là chấp nhận được.
 
LSCB đã giảm về 7%/năm, LS huy động VND có thể sẽ tiếp tục giảm, áp lực lên tỉ giá VND/USD sẽ như thế nào?
 
Trong điều kiện TTCK và thị trường BĐS đang trì trệ chưa có dấu hiệu phục hồi sớm, thì gửi tiết kiệm, mua vàng và mua USD là ba kênh được người dân hướng đến và luôn có sự so sánh. Khi LS tiết kiệm giảm, người dân sẽ chuyển sang mua USD hoặc vàng để tích trữ. Do khả năng thanh khoản của USD cao hơn vàng và độ rủi ro và biên độ biến động cũng thấp hơn, đầu cơ USD thường là kênh được lựa chọn khi LS tiết kiệm giảm. Vì vậy, hạ LS sẽ gây áp lực lên tỉ giá. Đấy là lý do tại sao một số chuyên gia kinh tế đề nghị không nên giảm mạnh LSCB, cũng là lý do giải thích việc Chính phủ áp dụng chính sách bù LS cùng với việc giảm LSCB. Cá nhân tôi cho rằng không nên giảm mạnh LS, tốt nhất là bỏ LSCB như là một công cụ định trần LS và bỏ càng sớm càng tốt.
 
Ông đánh giá thế nào về chính sách tỉ giá của NHNN hiện nay? Liệu có nên để VND mất giá hơn nữa không?
 
Trước khi NHNN điều chỉnh tăng tỉ giá bình quân liên NH lên 3% và giữ nguyên quy định biên độ tỉ giá giao dịch +/- 3% cho các NHTM, hầu hết các thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ đều kiến nghị giảm giá VND so với USD. Tuy nhiên, có hai quan điểm khác nhau về cách điều hành tỉ giá. Quan điểm thứ nhất: Chỉ nên điều chỉnh tỉ giá bình quân liên NH mà không nới lỏng biên độ và quan điểm khác cho rằng, không nên điều chỉnh tỉ giá bình quân liên NH mà nên nới rộng biên độ giao dịch cho các NHTM. Tôi cho rằng, trong điều kiện thị trường XK bị suy giảm, luồng vốn đầu tư nước ngoài và các nguồn thu ngoại tệ khác nhiều khả năng không bằng năm 2008 thì có hai vấn đề quan trọng nhất trong ổn định vĩ mô là bảo đảm việc làm và bảo vệ cán cân thanh toán quốc tế. Vì vậy, cần hạ giá VND. Để hạ giá VND nếu chỉ sử dụng biên độ thì độ mở của biên độ sẽ rất lớn làm tỉ giá biến động trong phạm vi rộng. Tôi cho rằng, biên độ không nên vượt quá +/- 5-6%. Vì vậy, cũng cần điều chỉnh tỉ giá bình quân liên NH. Việc NHNN điều chỉnh tỉ giá bình quân liên NH thêm 3%, theo tôi, là hợp lý. Do tỉ giá là vấn đề nhạy cảm, lại chịu tác động mạnh của tâm lý "bầy đàn" vốn là đặc điểm của nền sản xuất nhỏ, nên việc điều chỉnh tỉ giá cần xử lý hợp lý, không gây đột biến, bảo đảm khả năng can thiệp của Nhà nước khi cần thiết, chống được đầu cơ. Hiện dự trữ ngoại tệ của ta cao hơn thời điểm tháng 3.2008 và Nhà nước hoàn toàn có thể chủ động điều hành tỉ giá có lợi cho XK, hạn chế nhập siêu mà vẫn kiểm soát được tỉ giá, chống được đầu cơ. 
 
Nguồn: Báo Điện tử Lao động
 
Hslaw.vn - Văn Phòng Luật sư Nam Hà Nội 
TIN TỨC LIÊN QUAN

Danh mục chính

Tin tức nổi bật

Thống kê truy cập

Đang xem: 10 lượt

Tổng số đã xem: 1425784 lượt

090 574 6666