Thận trọng trước khi ký hợp đồng lao động

Ngày đăng: 03/11/2020
Hợp đồng lao động (HĐLĐ) là sự ràng buộc pháp lý giữa người lao động (NLĐ) với nhà tuyển dụng nhưng thực tế, nhiều NLĐ vì hấp tấp, thiếu cẩn trọng không đọc kỹ nội dung HĐLĐ, dẫn đến những thiệt thòi về quyền lợi.
Tiến sĩ Bùi Văn Vượng (người có kinh nghiệm 16 năm làm giám đốc nhân sự) hiện là Giám đốc nhân sự Công ty TNHH MTV Phát triển tài năng sẽ tư vấn giúp NLĐ tránh những rủi ro khi ký kết HĐLĐ.
 
Phải tìm hiểu văn hóa của công ty.
Trước khi đặt bút ký HĐ làm việc cho một công ty, điều đầu tiên là phải tìm hiểu về văn hóa của công ty đó. Văn hóa công ty là gì? Đó là văn hóa tôn trọng con người của người sử dụng LĐ (có thể tìm hiểu qua những người đang làm việc tại công ty mà bạn định xin vào). Nếu chủ DN xem NLĐ như những cỗ máy, chỉ biết bóc lột, vắt kiệt sức lao động, thiếu thái độ tôn trọng họ thì sớm muộn NLĐ cũng chán nản, tìm kiếm một công việc khác.
 
Biết mình biết ta.
Không ít trường hợp NLĐ vì quá khó khăn, khi tìm được một công việc là vội vàng ký HĐ ngay mà không tìm hiểu xem năng lực thật sự của mình có phù hợp hay không, hậu quả là sau một thời gian, NLĐ cảm thấy đuối sức, tự rút lui. Lời khuyên dành cho bạn là hãy kiểm tra năng lực thật sự của mình trước khi đặt bút ký HĐ, bằng cách đặt các câu hỏi như: “Năng lực của tôi có phù hợp với công việc này không?”, “Áp lực sau này, tôi vượt qua được hay không?”. Nếu thấy đáp ứng được công việc mới ký. Còn không, hãy tìm cho mình một công việc phù hợp hơn.
 
Địa điểm, thời gian làm việc và công việc cụ thể.
Về địa điểm và công việc cụ thể, NLĐ phải đọc kỹ và hỏi rõ mình sẽ làm việc ở đâu. Nhiều DN tuyển dụng chỉ ghi chung chung “sẽ bố trí theo nhu cầu công việc”. Có NLĐ khi nộp hồ sơ xin vào vị trí may (lương khá, công việc nhẹ nhàng hơn), làm việc một thời gian thì bị chuyển sang bộ phận ủi (phải đứng cả ngày, nóng nực, lương thấp); hoặc có trường hợp bị DN chuyển sang một công ty con ở một nơi xa trung tâm thành phố. Nếu NLĐ phản ứng, sẽ vi phạm HĐLĐ. Về thời gian làm việc, cũng cần hỏi kỹ thời gian tăng ca, định mức lao động. Nhiều DN tăng ca triền miên, NLĐ sức khỏe yếu sẽ không đảm bảo được công việc, từ chối tăng ca thì bị DN gây khó dễ.
 
Quyền lợi và các chế độ.
Cụ thể là mức lương, chế độ bảo hiểm, quyền lợi khi tham gia công đoàn, số ngày được nghỉ trong năm, làm việc trong môi trường độc hại, chế độ nghỉ khi bị bệnh… là những điều kiện bạn phải xem xét kỹ xem có đúng với luật đã quy định hay không? Nếu cảm thấy băn khoăn về phúc lợi, các bạn phải mạnh dạn trao đổi và đề nghị phòng nhân sự cho xem những phúc lợi được hưởng, liệt kê ra để đưa vào HĐ.
 
Đọc rõ yêu cầu, quy chế của công ty.
Trước khi ký HĐ, bạn nên nắm rõ những yêu cầu và quy định riêng của công ty, như thế, bạn sẽ không lúng túng và tránh được các vi phạm trong quá trình làm việc.
 
Chú ý với những chương trình đào tạo nâng cao cho NLĐ.
Nhiều DN muốn thu hút NLĐ, đặc biệt là sinh viên mới ra trường nên tung ra những lời hứa ảo: “Khi vào làm việc, NLĐ sẽ được huấn luyện, đào tạo nâng cao tay nghề, được đi học thêm…" nhưng thật ra là không có hoặc những trường hợp được đào tạo rất ít. NLĐ còn phải thận trọng bởi có thể khi đi học về, DN sẽ “cột chân” NLĐ với mức lương thấp, trong khi với khả năng đó, NLĐ có thể tìm được một công việc khác lương cao hơn.
 
Không nên ký HĐLĐ bằng miệng.
Thường có ba loại HĐLĐ: HĐ thời vụ, HĐ có thời hạn và không xác định thời hạn. Luật cũng cho phép ký HĐLĐ bằng miệng (phải có nhân chứng) nhưng theo tôi, các bạn không nên ký HĐLĐ bằng miệng vì khi xảy ra tranh chấp, NLĐ không có cơ sở để ràng buộc DN nên rủi ro, thiệt thòi vẫn thuộc về NLĐ. Sau khi ký, phải giữ một bản HĐLĐ. Về nguyên tắc, HĐLĐ phải được ký kết bằng văn bản và làm thành hai bản, mỗi bên giữ một bản cùng phụ lục kèm theo. Nhiều DN cố tình ỉm luôn bản phải giao cho NLĐ để khi xảy ra tranh chấp, NLĐ không có cơ sở đối chất. Vì vậy, sau khi ký HĐ, NLĐ phải yêu cầu DN đưa mình một bản và cất giữ cẩn thận.
 
Lưu ý: Sau khi đã ký HĐLĐ, NLĐ nên hỏi số sổ BHXH của mình để kiểm tra DN có đóng BHXH không. Sau tháng lương đầu tiên, phải yêu cầu phòng nhân sự làm mã số thuế cá nhân. Nếu làm việc nửa năm mà không có mã số thuế cá nhân, nghĩa là DN đang trốn thuế.
 
Quỳnh Mai
Nguồn: Báo Phụ Nữ Thành Phố Hồ Chí Minh
TIN TỨC LIÊN QUAN

Danh mục chính

Tin tức nổi bật

Thống kê truy cập

Đang xem: 12 lượt

Tổng số đã xem: 1436041 lượt

090 574 6666