Pháp luật về bình đẳng giới: khoảng cách giữa quy định và thực thi

Ngày đăng: 20/10/2020
Theo đánh giá của UNDP, chỉ số phát triển giới của Việt Nam được đánh giá ở mức cao so với nhiều quốc gia có cùng trình độ phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng bất bình đẳng giới ở nước ta vẫn tồn tại và giữa quy định của pháp luật với việc thực thi vẫn là một khoảng cách khá xa... CÔNG BÌNH
Theo đánh giá của UNDP, chỉ số phát triển giới của Việt Nam được đánh giá ở mức cao so với nhiều quốc gia có cùng trình độ phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng bất bình đẳng giới ở nước ta vẫn tồn tại và giữa quy định của pháp luật với việc thực thi vẫn là một khoảng cách khá xa.
 
Có thể nói rằng, cho đến nay, nước ta đã có một hệ thống văn bản pháp luật khá đầy đủ điều chỉnh về bình đẳng giới. Quyền của phụ nữ được thể hiện rõ trong Hiến pháp và nhiều văn bản pháp luật như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới… Chính phủ, các bộ ngành và các địa phương cũng ban hành nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh vấn đề này. Hệ thống văn bản trên đã tạo nên một khung pháp lý tương đối đồng bộ và toàn diện điều chỉnh về bình đẳng giới.
 
Nhìn chung, trong những năm qua, các quy định về bình đẳng giới đã được thực hiện khá nghiêm túc, đạt nhiều kết quả bước đầu rất khả quan. Tuy nhiên, theo kết quả các đợt giám sát về bình đẳng giới của Ủy ban Về các vấn đề xã hội, bên cạnh những tín hiệu đáng mừng, vẫn còn tồn tại khá nhiều hạn chế. Tình trạng bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trẻ em và phụ nữ vẫn tồn tại ở các địa phương. Công tác chăm sóc sức khoẻ cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, phụ nữ ở một số địa phương vẫn chưa đạt các chỉ tiêu đề ra. Tỷ số giới tính của trẻ sơ sinh ở một số tỉnh vẫn còn cao, chưa phù hợp với quy luật thông thường. Bên cạnh đó, định kiến giới vẫn còn tồn tại khá phổ biến trong xã hội, đặc biệt là khu vực nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vai trò và vị trí của phụ nữ và trẻ em gái tuy đã được cải thiện nhưng cơ hội học tập, phát triển của phụ nữ nói chung còn có nhiều hạn chế so với nam giới…
 
Trong hoạt động lao động sản xuất, phụ nữ thường có thu nhập thấp (tiền lương trung bình thấp hơn lao động nam khoảng 14%), điều kiện làm việc và sinh sống không đảm bảo. Bên cạnh đó, mặc dù pháp luật có nhiều quy định mang tính ưu đãi cho lao động nữ nhưng khó thực hiện hoặc chưa được thực thi trong thực tế. Cụ thể như quy định ưu đãi, xét giảm thuế cho doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, nhưng nhiều doanh nghiệp có số đông lao động là nữ mà chưa từng được giảm thuế lần nào… Hoặc quy định doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ thì phải có nhà trẻ, trường mẫu giáo hoặc chi trả tiền hỗ trợ cho chị em có con ở lứa tuổi gửi trẻ, mẫu giáo, song nhiều chủ doanh nghiệp không lấy đâu ra vốn cũng như quỹ đất để thực hiện. Còn quy định về đào tạo nghề dự phòng cho chị em, hầu hết doanh nghiệp thừa nhận không thể bố trí thời gian để đào tạo.
 
Mục tiêu bình đẳng giới là xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế – xã hội, trong đời sống xã hội và gia đình. Vì vậy, cùng với việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật thì việc thực thi pháp luật về bình đẳng giới hiệu quả là vấn đề cần được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm. Cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân (nhất là nông dân, người dân tộc thiểu số), cán bộ, công chức, lãnh đạo về bình đẳng giới; đẩy mạnh phát triển giáo dục và đào tạo nghề cho phụ nữ và trẻ em gái ở nông thôn, vùng dân tộc thiểu số; xây dựng quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ, có chỉ tiêu bổ nhiệm đề bạt cán bộ nữ trong cơ cấu cán bộ lãnh đạo của địa phương…
 
Nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ cần sớm nghiên cứu, ban hành chiến lược, chính sách và mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, trên cơ sở đó hàng năm báo cáo với Quốc hội việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.
 
Có thể nói, mặc dù đã đạt được những thành tựu khả quan, nhưng từ quy định đến việc thực thi pháp luật về bình đẳng giới ở nước ta vẫn còn khoảng cách khá xa. Khoảng cách đó sẽ thu hẹp nếu pháp luật được thực thi nghiêm minh và triệt để. Và, cùng với sự hỗ trợ tích cực từ pháp luật, điều quan trọng là người phụ nữ cần ý thức và nhận thức đầy đủ về quyền của mình; chủ động bảo vệ mình trước bất bình đẳng giới và bạo lực gia đình.
 
Vi phạm hành chính về bình đẳng giới phạt tới 40 triệu đồng
 
Đó là mức xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới được quy định trong Nghị định số 55/2009/NĐ-CP của Chính phủ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01.8.2009.
 
Nghị định quy định, đối với mỗi hành vi vi phạm phải chịu một trong hai hình thức xử phạt chính là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền. Mức phạt tiền tối thiểu là 200 ngàn đồng, tối đa là 40 triệu đồng. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung gồm có: tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.
 
Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc xin lỗi, cải chính công khai; buộc khôi phục lại quyền lợi hợp pháp đã bị xâm hại; buộc chịu mọi chi phí khám chữa bệnh hợp lý trong trường hợp gây thiệt hại về sức khỏe, tinh thần… Người nước ngoài vi phạm hành chính về bình đẳng giới trên lãnh thổ Việt Nam còn có thể bị xử phạt trục xuất.
 
SOURCE: BÁO NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN
 
Trích dẫn từ: http://nguoidaibieu.com.vn/Trangchu/VN/tabid/66/CatID/7/ContentID/98934/Default.aspx
TIN TỨC LIÊN QUAN

Danh mục chính

Tin tức nổi bật

Thống kê truy cập

Đang xem: 21 lượt

Tổng số đã xem: 1462503 lượt

090 574 6666