Gia đình với vấn đề người chưa thành niên phạm tội, Tác giả Ngọc Việt Nguồn: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Ngày đăng: 16/11/2020
Trong những năm gần đây, tình trạng tội phạm chưa thành niên ở nước ta có chiều hướng ngày càng gia tăng cả về số lượng và mức độ phạm tội. Thủ đoạn phạm tội của các đối tượng này không còn đơn giản do bồng bột, thiếu suy nghĩ, mà đã có sự tính toán, chuẩn bị kỹ càng và khá tinh vi, thậm chí đã hình thành các băng nhóm tội phạm có tính nguy hiểm cao
Vấn đề phòng ngừa người chưa thành niên phạm tội là một vấn đề rộng lớn của toàn xã hội, nhưng trước hết, phải tiến hành từ mỗi gia đình.
 
Trong những năm gần đây, tình trạng tội phạm chưa thành niên ở nước ta có chiều hướng ngày càng gia tăng cả về số lượng và mức độ phạm tội. Thủ đoạn phạm tội của các đối tượng này không còn đơn giản do bồng bột, thiếu suy nghĩ, mà đã có sự tính toán, chuẩn bị kỹ càng và khá tinh vi, thậm chí đã hình thành các băng nhóm tội phạm có tính nguy hiểm cao. Trong các yếu tố tác động đến tâm lý, ý thức và hành vi phạm tội của các em thì gia đình là yếu tố quan trọng hàng đầu. Vấn đề phòng ngừa người chưa thành niên phạm tội là một vấn đề rộng lớn của toàn xã hội, nhưng trước hết, phải tiến hành từ mỗi gia đình.
 
ảnh hưởng của các thành viên trong gia đình tới việc người chưa thành niên phạm tội là rất lớn. Những người thân trong gia đình nếu không gương mẫu trong sinh hoạt, xử sự trái các chuẩn mực đạo đức xã hội, có thái độ dung túng hành vi vi phạm pháp luật sẽ là nguồn gốc, là tấm gương mờờờờ làm vẩn đục tâm hồn, làm nảy sinh ý thức và hành vi phạm tội của các em. Khi hình ảnh về người bố, người mẹ, cùng với những đạo lý giữa người với người, lòng chung thuỷ, sự cao thượng, niềm tin vào con người, tương lai trở nên lu mờ, lạnh nhạt dần trong các em, thì chắc chắn cũng dần dần hình thành ở các em những hành vi chống đối gia đình, xã hội.
 
Phương pháp giáo dục trong gia đình luôn luôn có ý nghĩa hết sức quan trọng. Hầu hết trẻ em phạm tội đều sinh ra và lớn lên trong điều kiện thiếu sự quan tâm nuôi dạy chu đáo của gia đình hoặc nếu có thì thường tác động một cách tiêu cực. ở đó gia đình thường có quan điểm không đúng đắn, thường có sự xung đột giữa phương pháp giáo dục của cha mẹ với tâm lý, tình cảm của con cái hoặc trái ngược hẳn với biện pháp giáo dục của nhà trường. Mặt khác, có khi ngay bản thân những người trong gia đình có sự mâu thuẫn trong giáo dục (chẳng hạn người bố quá nghiêm khắc, còn người mẹ lại quá nuông chiều, dễ dãi). Sự đánh đập, thô bạo với các em để buộc các em phải theo một cách thức nhất định không phải là biện pháp tốt, thậm chí còn là nguồn gốc gây ra các trạng thái tâm lý phản ứng, tính thô bạo, sự liều lĩnh của trẻ. Sự nhân nhượng một cách vô nguyên tắc những đòi hỏi oái ăm của con cái, lại dần tạo ra cho đứa trẻ những hành động vô nguyên tắc, vô kỷ luật và do đó đẩy các em tới chỗ hư hỏng. Một số gia đình do không nắm vững được tâm lý lứa tuổi mới lớn, cùng với việc thiếu phương pháp sư phạm trong dạy dỗ con cái, nên thường có hành vi cấm đoán, kiềm chế các em bằng các hình thức kỷ luật hà khắc, tách biệt các em với môi trường bên ngoài. Sự kèm cặp chặt chẽ với những hình thức đi đâu, làm gì cũng có người lớn giám sát, vô hình chung đã làm các em tách biệt hẳn với xã hội và không phát huy được tính độc lập sáng tạo, dẫn chúng đến tâm lý thụ động, chán nản, luôn có xu hướng phá vỡ sự ràng buộc của gia đình và không ít trường hợp đã bị bạn bè xấu lôi kéo vào con đường phạm tội. Bên cạnh đó, sự thiếu quan tâm chăm sóc, giáo dục con cái cũng là một nguyên nhân dẫn đến gia tăng số lượng trẻ em phạm tội, thể hiện ở việc thiếu kiểm tra hoặc có nhưng sơ sài, qua loa đối với hoạt động hàng ngày của con cái.
 
Ngoài ra, còn phải kể đến một số nguyên nhân khác nữa như: Điều kiện gia đình khó khăn, các em phải nghỉ học phụ giúp gia đình kiếm sống bằng nhiều cách, thiếu sự quản lý của gia đình; sự bất bình đẳng trong gia đình cũng làm phát sinh ở các em tâm lý bi quan, chán nản cuộc sống...
 
Bộ luật Hình sự năm 1999 đã có hẳn một chương (chương X) quy định về người chưa thành niên phạm tội, với những nguyên tắc xử lý quy định ở điều 69, mà nguyên tắc đầu tiên là Việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được ban hành năm 2004, cũng đã quy định các quyền cơ bản, bổn phận của trẻ em, trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Trẻ em là tương lai của đất nước, việc chăm sóc giáo dục trẻ em nói chung và trẻ em phạm tội nói riêng là hết sức cần thiết và phải bắt đầu từ mỗi gia đình.
 
Gia đình là tế bào của xã hội, là yếu tố quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách của trẻ em, trong phòng ngừa người chưa thành niên phạm tội. Vì vậy, xây dựng gia đình văn hoá mới có lối sống lành mạnh, các thành viên tôn trọng lẫn nhau, thực hiện tốt các chuẩn mực đạo đức xã hội sẽ có ý nghĩa to lớn trong việc ngăn ngừa những nhân tố tiêu cực tác động tới các em, đồng thời cần phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa gia đình với nhà trường và sự quan tâm của toàn xã hội.
TIN TỨC LIÊN QUAN

Danh mục chính

Tin tức nổi bật

Thống kê truy cập

Đang xem: 10 lượt

Tổng số đã xem: 1435913 lượt

090 574 6666