Quy định lại Phần thứ tư "Thừa kế" Dự thảo Bộ luật Dân sự
Ngày đăng: 07/10/2020
Quy định lại Phần thứ tư "Thừa kế" Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)...
MỘT SỐ GÓP Ý ĐỐI VỚI
DỰ THẢO BỘ LUẬT DÂN SỰ (SỬA ĐỔI)
Trung tâm Thông tin Thư viện – Viện KHPL, Bộ Tư pháp
Quy định tại Phần thứ tư Dự thảo Bộ luật Dân sự. Phần thứ tư “Thừa kế” trong Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) gốm 57 điều, 4 chương, tổng số điều luật vẫn tương đương với tổng số điều luật được quy định trong Bộ luật dân sự năm 2005, Các quy định sửa đổi Phần thứ tư Bộ luật dân sự năm 2005 không nhiều, trong bài viết này tôi xin có một số ý kiến bình luận sau đây về các quy định tại Phần thứ tư, Dự thảo Bộ luật dân sự:
1. Điều 635.Di sản
Điều 635. Di sản Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.
Di sản là quyền sử dụng đất được xác định theo quy định của pháp luật về đất đai; quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ được xác định theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Trên thực tế, nếu quy định hai loại di sản thừa kế đặc thù là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ thì vẫn chưa đủ, thừa kế nhà ở được quy định trong Luật Nhà ở năm 2014 cũng có những nét đặc thù và trình tự, thủ tục thừa kế nhà ở phải thống nhất với thừa kế quyền sử dụng đất. Ngoài ra đối với việc thừa kế công trình xây dựng và các tài sản khác gắn liền với đất cũng khá phức tạp. Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có quy định chung về việc đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất đối với trường hợp được thừa kế các tài sản này.
2. Điều 639. Người quản lý di sản
Nội dung của Điều 639 Dự thảo gần như giữ nguyên nội dung của Điều 638 Bộ luật Dân sự năm 2005. Tuy nhiên, điều luật chưa quy định rõ điều kiện của người quản lý di sản. Có một số vấn đề sau đây cần được cân nhắc khi quy định có cần thiết phải quy định điều kiện về người quản lý di sản hay không ?
Một là, nếu tại thời điểm lập di chúc, người được chỉ định trong di chúc sẽ là người quản lý di sản sau khi người để lại thừa kế chết, nhưng đến thời điểm mở thừa kế, người được chỉ định quản lý di sản trong di chúc bị hạn chế hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự thì họ có thể thực hiện việc quản lý di sản được không.
Hai là,trên thực tế đã có trường hợp xảy ra, người được chỉ định quản lý di sản theo di chúc đã định cư ở nước ngaofi, hoặc địa ở địa phương khác không có điều kiện để trực tiếp quản lý bất động sản là di sản thừa kế. Vì vậy trên thực tế những người thừa kế khác đứng ra quản lý và sử dụng di sản. Khi có tranh chấp xảy ra giữa người quản lý di sản theo di chúc và người quản lý di sản thực tế, hoặc người quản lý di sản do những người thừa kế khác cử ra, thì ai là người được coi là người quản lý di sản.
Quy định này có liên quan đến quy định tại Khoản 1 Điều 646 của Dự thảo – thời hiệu thừa kế “Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó”. Như vậy, hết thời hiệu thừa kế thì di sản thuộc về người thừa kế quản lý di sản theo di chúc hay người thừa kế quản lý di sản do những người thừa kế di sản thỏa thuận cử ra ?
Thứ ba, việc những người thừa kế cử người quản lý di sản có cần thiết phải lập thành văn bản hay không ?
Mặt khác, quy định tại khoản 3 Điều 639 của Dự thảo cũng như quy định tại khoản 3 Điều 638 Bộ luật Dân sự năm 2005 – “3. Trường hợp chưa xác định được người thừa kế và di sản chưa có người quản lý thì di sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý” – là quy định có cũng như không. Vì trên thực tế, chưa có một quy định nào hướng dẫn thi hành quy định này. Cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm quản lý tài sản này và có phải thực hiện trách nhiệm của người quản lý di sản hay không ?
Theo quan điểm của tôi, cần phải quy định rõ điều kiện của người quản lý di sản tại thời điểm mở thừa kế. Nếu người quản lý di sản được chỉ định trong di chúc tại thời điểm mở thừa kế không đáp ứng được điểu kiện này, thì những người thừa kế khác có quyền cử người thừa kế. Thỏa thuận cử người quản lý di sản cần phải được lập thành văn bản. Khoản 3 Điều 639 Dự thảo chỉ có thể thực hiện được trên thực tế khi có văn bản hướng dẫn thi hành cụ thể nội dung này.
3. Điều 643.Từ chối nhận di sản
Điều 643. Từ chối nhân di sản
1. Người thừa kế cso quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.
2. Việc từ chối nhận di sản phải đượclập thành văn bản; người từ chối phải gửi văn bản từ chối nhận di sản cho người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản, tổ chức hành nghề công chứng hoặc ủy ban nhân dân cấp xã nơi có địa điểm mở thừa kế.
3. Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.
Đây là quy định mới được sửa đổi nhằm bảo vệ quyền cua người thừa kế. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là việc gửi văn bản từ chối nhận di sản cho tất cả cá đối tượng được quy định tại khoản 2 là không hợp lý. Quy định này cần được tách thành hai khoản để xác định rõ: Văn bản từ chối nhận di sản có bắt buộc phải công chứng hoặc chứng thực hay không? Văn bản từ chối nhận di sản bắt buộc phải được gửi đến cho những ai ?
Nếu văn bản từ chối nhận di sản không bắt buộc phải được công chúng, chứng thực, thì tại sao người thừa kế lại phải gửi văn bản từ chối hưởng di sản cho cơ quan công chứng?
Nếu văn bản từ chối nhận di sản bắt buộc phỉa công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực, thì khi công chứng, chứng thực, cơ quan công chứng, chứng thực đã lưu giữ một bản nên không cần thiết phải gửi cho các cơ quan này. Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 và khoản 1 Điều 8 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch đã quy định: UBND cấp xã có thẩm quyền chứng thực văn bản từ chối nhận di sản. Người yêu cầu chứng thực có quyền yêu cầu chứng thực tại bất ký cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nào thuận tiện nhất, trừ trường hợp quy định tại Khoản 6 Điều 5 của Nghị định này (Việc chứng thực các hợp đồng, giao dịch liên quan đến quyền của người sử dụng đất được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất. Việc chứng thực các hợp đồng. giao dịch liên quan đến nhà ở được thực hiện tại UBND cấp xã nơi có nhà – chứ không phỉa là UBND cấp xã nơi mở thừa kế). Tức là pháp luật về chứng thực không bắt buộc phải là UBND cấp xã nơi mở thừa kế để chứng thực. Tuy quy định của Bộ luật Dân sự sau khi được ban hành có giá trị pháp lý cao hơn Nghị định, nhưng thực tế quy dịnh của Nghị định về chứng thực mới được ban hành tạo điều kiện thuận lợi cho người dân hơn. Vì vậy cần sửa đổi quy định tại khoản 2 Điều 462 của Dự thảo cho chặt chẽ và phù hợp hơn.
4. Điều 644.Người không được quyền hưởng di sản
2. Những người quy định tại khoản 1 Điều này vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.
Khoản 2 Điều 644 Dự thảo quy định không hợp lý khi cho tất cả những người thừa kế “vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc”. Theo quan điểm cá nhân, chỉ nên áp dụng quy định này đối với người thừa kế là vi thành niên, người mất, hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự mà thôi.
5. Điều 654.Nội dung của di chúc
1. Di chúc gồm các nội dung sau:
a)Ngày, tháng, năm lập di chúc;
b)Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;
c)Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản hoặc xác định rõ các điều kiện để cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;
d)Di sản để lại và nơi có di sản;
đ) Việc chỉ định người thực hiện nghĩa vụ và nội dung của nghĩa vụ.
2. Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu; nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được đánh số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.
Câu hỏi đặt ra là, Nhà nước cso được coi là người thừa kế không ?. Hay nói cách khác, cá nhân có được quyết định để lại di sản của mình cho Nhà Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hay không? Cơ quan nhà nước nào sẽ đứng ra nhận di sản, trình tự, thủ tục để Nhà nước nhận di sản thừa kế được thực hiện như thế nào ?
Văn bản pháp luật hiện hành mới chỉ quy định về thủ tục xác lập di sản không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế thuộc Nhà Nước (Điều 5 và Điều 8 Nghị định số 29/2014/NĐ-CP ngày 10/4/2014 quy định về thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu nhà nước và quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu nhà nước). Nhưng chưa có quy định hướng dẫn việc xác lập quyền sở hữu nhà nước khi Nhà nước nhận thừa kế. Bộ luật Dân sự đã quy dịnh Nhà nước là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự thì cũng nên quy định rõ vẫn để này.
Một vấn đề nữa đặt ra với điểm d khoản 1 điều này là: nếu di chúc đã liệt tài sản hiện có của người lập di chúc cho người được thừa kế và viết thêm “toàn bộ tài sản có được sau khi tôi viết di chúc này cũng để lại cho người thừ kế nêu trên”, hoặc “tôi để lại toàn bộ tài sản của tôi cho người thừa kế là…” thì nội dung di chúc này hoặc phần di chúc này có được coi là hợp pháp hay không ?
Quan điểm của người viết là phần di chúc này vẫn hợp pháp đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của người để lại di sản. Khi khai quật di sản, người thừa kế phải có trong hồ sơ của mình bản di chúc và các giấy tờ về tài sản chứng minh tài sản đó thuộc quyền sở hữu của người để lại di sản.
6. Điều 655.Người làm chứng cho việc lập di chúc
Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ trường hợp sau đây:
1.Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc;
2.Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc.
3.Người chưa đủ mười tám tuổi, người không có năng lực hành vi dân sự.
Việc liệt kê những người không được làm chứng cho việc lập di chúc theo quy định của Điều 655 là chưa phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự về người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và việc áp dụng trên thực tế. Có phỉa điều luật chỉ áp dụng đối với trường hợp người bị mất năng lực hành. Vậy, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi có thuộc những người mà điều luật không cho phép là người làm chứng hay không?
Dự thảo Bộ luật Dân sự đã bỏ quy định về người không có năng lực hành vi dân sự. Vì vậy, “người không có năng lực hành vi dân sự” được quy định tại khoản 3 Điều 655 Dự thảo là ai? Sau khi so sánh với quy định về người làm chứng trong đoạn 2 khoản 2 Điều 47 Luật công chứng năm 2014: “Người làm chứng phỉa là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và không có quyền, lợi ích hoặc nghĩa vụ liên quan đến việc công chứng”, chúng tôi đề nghị: nên chăng, thay quy định này bằng: “Người thành niên và có năng lực hành vi dân sự đầu đủ đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây: 1.Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc; 2.Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan đến nội dung di chúc”
7. Điều 656.Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng
Người lập di chúc phải tự tay viết ký vào bản di chúc. Việc lập di chúc bằng văn bản không có người làm chứng phải tuân theo quy định tại Điều 650, Điều 653 và Điều 654 của Bộ luật này.
Điều luật này được xây dựng nhằm làm rõ hơn quy định tại Điều 650, nên không cần thiết phỉa nói tới Điều 650 nữa, mà chỉ cần tuân theo quy định tại Điều 653 (di chúc hợp pháp) và 654 (nội dung của di chúc).
8. Điều 659. Thủ tục lập di chúc tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã
Việc lập di chúc tại cơ quan công chứng hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã phải tuân theo thủ tục sau đây:
1.Người lập di chúc tuyên bố nội dung của di chúc trước công chứng viên, người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã. Công chứng viên, người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã phải ghi chép lại nội dung mà người lập di chúc đã tuyên bố. Người lập di chúc ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc sau khi xác nhận bản di chúc đã được ghi chép chính xác và thể hiện đúng ý chí của mình. Công chứng viên, người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã ký vào bản di chúc;
2.Trường hợp người lập di chúc không đọc được hoặc không nghe được bản di chúc, không ký hoặc không điểm chỉ được thì phải nhờ người làm chứng và người này phải ký xác nhận trước mặt công chứng viên, người có thẩm quyền chứng thực hoặc của Ủy ban nhân dân cấp xã. Công chứng viên, người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã chứng nhận bản di chúc trước mặt người lập di chúc và người làm chứng.
Trong thủ tục công chứng, chứng thực di chúc, công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực có cần thiết phải ghi chép lại nội dung di chúc không ? Ghi chép vào sổ, hay phải đánh máy vào máy tính? Nếu người lập di chúc tự viết hoặc tự đánh máy vi tính và mang đến cơ quan công chứng, cơ quan có thẩm quyền chứng thực, tuyên bố nội dung di chúc trước mặt công chứng viên, người có thẩm quyền chứng thực, thì công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực có được công chứng, chứng thực vào bản di chúc được viết tay hoặc đánh máy mà người lập di chúc đã viết sẵn hoặc đánh máy sẵn hay không.
Trên thực tế, người lập di chúc sẽ phải trả phí khi công chứng ghi chép hoặc đánh máy vào máy vi tính.
Theo quy định tại Điều 36 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữa ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch, người yêu cầu chứng thực di chúc có thể tự lập dự thảo di chúc đên để yêu cầu chứng thực. Khi người yêu cầu chứng thực di chúc ký trước mặt người có thẩm quyền chứng thực thì Dự thảo này trờ thành bản chính, và người yêu cầu chứng thực chứng thực vào bản di chúc này. “Trong trường hợp người yêu cầu chứng thực đề nghị cơ quan thực hiện chứng thực in, chụp, đánh máy giầy tờ, văn bản thì phải gộp chi phí để thực hiện việc đó” (Điều 15 Nghị định 23/2015/NĐ-CP).
9. Điều 677.Người thừa kế theo pháp luật
2. Những người thừa kế theo pháp luật chỉ được hưởng phần di sản nếu họ còn sống tại thời điểm chia thừa kế.
Quy định tại khoản 2 Điều 677 Dự thảo là quy định mới được đưa vào Dự thảo Bộ luật Dân sự. Tuy nhiên, quy định này không phù hợp với quy định về người thừa kế tại Điều 636 Dự thảo. Đến thời điểm mở thừa kế - thời điểm người để lại di sản chết, người thừa kế theo pháp luật đã có quyền hưởng phần di sản mà người thừa kế để lại. Trên thực tế, thời điểm phân chia di sản và thời điểm mở thừa kế có thể cách nhau khá dài. Nếu điều luật viết như khoản 2 Điều 677 sẽ hiểu theo cách họ bị truất quyền được hưởng thừa kế - đây là điều kiện hết sức vô lý. Trong trường hợp này cũng không thể áp dụng thừa kế thế vị tại Điều 678, vid Điều 678 chỉ áp dụng đối với trường hợp người thừa kế chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản.
10. Điều 678. Thừa kế thế vị.
Quy định về thừa kế thế vị trái với nguyên tắc người thừa kế “phải còn sống tại thời điểm mở thừa kế, hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước thời điểm mở thừa kế”quy định tại Điều 636 Dự thảo. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi quy định về thừa kế thế vị là cần thiết. Cần bổ sung vào Điều 636 Dự thảo là trừ trường hợp quy định tại Điều 678.
11. Điều 682.Họp mặt những người thừa kế
1. Sau khi có thông báo về việc mở thừa kế hoặc di chúc được công bố, những người thừa kế có thể họp mặt để thỏa thuận những việc sau đây:
a) Cử người quản lý di sản, người phân chia di sản, xác định quyền, nghĩa vụ của những người này, nếu người để lại di sản không chỉ định di chúc;
b) Cách thức phân chia di sản.
2. Mọi thỏa thuận của những người thừa kế phải được lập thành văn bản.
Vấn đề đặt ra là Văn bản thỏa thuận của những người thừa có bắt buộc phải công chứng, chứng thực không? Pháp luật về công chứng, chứng thực thì đều có quy định về công chứng, chứng thực Văn bản phân chia di sản và Văn bản khai nhận di sản. Trên thực tế, nếu đối với tài sản là tài khoản của ngân hàng, Sổ tiết kiệm…người thừa kế muốn nhận số tiền tại tài khoản ngân hàng hoặc sổ tiết kiệm của người mất thì đều có Văn bản thỏa thuận phân chia di sản, hoặc Văn bản khai nhận di sản đều phải lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực mặc dù Bộ luật Dân sự không quy định cụ thể bắt buộc các văn bản này phải được công chứng, chứng thực. Vì vậy, cần quy định cụ thể trong Bộ luật Dân sự những văn bản thỏa thuận nào của những người thừa kế cần phải được lập bằng văn bản có công chứng, chứng thực.
Quy định có liên quan đến quyền tiếp cận thông tin
Các quy định trong Dự thảo Bộ luật Dân sự có liên quan đến quyền tiếp cận thông tin là các quyền liên quan đến Điều 48 – Quyền tiếp cận thông tin và quyền liên quan đến bí mật đời tư mà Bộ luật Dân sự gọi là “đời sống riêng tư, bí mật cá nhân” Điều 41 Dự thảo Bộ luật Dân sự. Quy định về quyền tiếp cận thông tin được thể hiện tại Điều 48 của Dự thảo là quy định mang tính chất chung và sẽ được cụ thể hóa trong Luật Tiêp cận thông tin đang được xây dựng. Vấn đề đặt ra là quy định của Bộ luật Dân sự phải được thực hiện trên cơ sở tại Điều 25 Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, Hiến pháp năm 2013 chỉ quy định về quyền tiếp cận thông tin của công dân “là những người có quốc tịch Việt Nam”. Trong khi đó khái niệm cá nhân trong Bộ luật Dân sự rộng hơn khái niệm công dân, bao gồm cả công dân Việt Nam và người nước ngoài tại Việt Nam.
Dự thảo Luật Tiếp cận thông tin đã dự thảo các quy định nhằm bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân. Trong đó quy định các trường hợp bị hạn chế quyền tiếp cận thông tin. Bí mật đời tư là một trong các nội dung bị hạn chế quyền tiếp cận. Bi mật đời tư là một trong các quyền nhân thân cần phải được quy định cụ thể trong Bộ luật Dân sự (khái niệm về bí mật đời tư, bí mật đời tư gồm những nội dung gì?). Đặc biệt là trong thời gian hiện nay nhiều những hình ảnh, video, bí mật khác liên quan đến của công dân bị phát tán trên mạng mà không được sự đồng ý của họ. Vì vậy cần bổ sung quy định này vào Dự thảo
TIN TỨC LIÊN QUAN