Một số góp ý với dự thảo Bộ Luật dân sự (Sửa đổi)

Ngày đăng: 07/10/2020
Tham luận: Một số góp ý với dự thảo Bộ Luật dân sự (Sửa đổi)....
MỘT SỐ GÓP Ý VỚI
DỰ THẢO BỘ LUẬT DÂN SỰ (SỬA ĐỔI)
 
 
Luật sư Phạm Thanh Sơn
Trưởng Văn phòng Luật sư Nam Hà Nội
 
Nhìn chung, qua 07 năm thi hành, BLDS 2005 đã có tác động rất tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và trong hoạt động của ngành Tòa án nói riêng. Bộ luật dân sự đã cụ thể hóa, chi tiết đại đa số các quan hệ xã hội trên cơ sở của nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện, tự thỏa thuận và tự chịu trách nhiệm giữa các chủ thể, hạn chế tối đa sự can thiệp hành chính của nhà nước vào quan hệ dân sự, tôn trọng và phát huy sự tự thỏa thuận, tự quyết định của các chủ thể, phát huy vai trò to lớn trong việc tạo lập hành lang pháp lý điều chỉnh các quan hệ dân sự, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, lợi ích nhà nước và lợi ích công cộng.
 
Tuy nhiên, Bộ luật dân sự 2005 ra đời trong thời điểm nước ta cần hoàn tất các bước cần thiết cho việc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO, trong đó có việc rà soát và điều chỉnh pháp luật cho phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ tổ chức này. Và cũng vì được ban hành khá nhanh chóng và trong bối cảnh như vậy nên đây cũng là nguyên nhân khiến Bộ luật dân sự 2005 được ban hành nhưng chưa dựa trên những nghiên cứu đầy đủ và còn rất nhiều vấn đề cần phải được bàn thảo, từ kỹ thuật lập pháp đến nội dung các quy định.
 
Một số ý kiến về dự thảo BLDS
 
Dự thảo Bộ luật dân sự đã được chuẩn bị công phu, cơ bản thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các quan điểm, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 và Cương lĩnh xây dựng Đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); cụ thể hóa các quy định về quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh, tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người, quyền công dân trong các lĩnh vực của đời sống dân sự trong Hiến pháp 2013. Dự thảo cũng đã cơ bản đảm bảo sự kế thừa và phát triển các quy định của pháp luật dân sự còn phù hợp với thực tiễn cuộc sống, bảo vệ các giá trị văn hóa, tập quán, truyền thống đạo đức tốt đẹp của nước ta. Tuy nhiên, một số quy định trong Dự thảo còn nhiều hạn chế, cần phải được xem xét, cần nhắc. Cụ thể:
 
Thứ nhất, quy định về vấn đề tự bảo vệ quyền dân sự tại Điều 17 của Dự thảo BLDS như sau: “Trong trường hợp cá nhân, pháp nhân lựa chọn phương thức bảo vệ quyền dân sự thì việc bảo vệ phải phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà không vượt quá giới hạn cần thiết do luật định để ngăn chặn hành vi vi phạm đó.” Đây là một trong những điểm mới mà Dự thảo BLDS đưa ra so với BLDS năm 2005 và xét thấy cần thiết trong thực tiễn cuộc sống. Tuy nhiên, việc quy định chung chung vấn đề tự bảo vệ quyền dân sự như trên tương đối khó hiểu .
 
Bởi vì, tự bảo vệ quyền như thế nào thì được coi là phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm ? Và “không được vượt quá giới hạn cần thiết do luật định” được hiểu ra sao? Trong trường hợp một chủ thể xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể khác thì người bị xâm phạm sẽ tự bảo vệ quyền của mình trong giới hạn như thế nào mới được coi là tự bảo vệ quyền dân sự theo quy định mà Dự thảo BLDS đưa ra. Đồng thời Dự thảo cũng nên làm rõ và quy định cụ thể về phương thức, cách thức tự bảo vệ quyền dân sự của chủ thể. Bởi nếu chỉ quy định mang tính chất chung chung, lý luận như trên sẽ rất khó khăn cho các chủ thể thực hiện cũng như áp dụng pháp luật. Điều này làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Đây thực sự là những câu hỏi cần thiết mà Dự thảo cần phải cân nhắc và xem xét khi quy định về vấn đề tự bảo vệ quyền dân sự. Ngoài ra, Dự thảo BLDS cũng nên quy định rõ thế nào là quyền dân sự của chủ thể ?
 
Thứ hai, vấn đề về định nghĩa tài sản quy định tại Điều 122 Dự thảo BLDS như sau: “Tài sản có thể là vật, tiền, giấy tờ có giá, quyền tài sản đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ và các quyền tài sản khác”. Nếu như BLDS năm 2005 quy định: “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”, thì đây có thể được xem là một trong những quy định mới của Dự thảo về định nghĩa tài sản khi tách quyền tài sản đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ ra khỏi các quyền tài sản. Tuy nhiên, đây cũng là một vấn đề mà Dự thảo cũng cần phải làm rõ. Cụ thể, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 đã quy định quyền sở hữu tền miền là một trong những loại tài sản của chủ sở hữu. Tuy nhiên, BLDS năm 2005 cho đến Dự thảo BLDS mới đây chưa quy định rõ vấn đề này. Vậy, quyền sở hữu tền miền theo Dự thảo có được coi là quyền tài sản đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ hay không?. Bởi vì thực tế hiện nay có rất nhiều các tranh chấp về hình ảnh website, về quyền sở hữu tên miền cũng như là những dạng tài sản mới, đặc biệt, vô hình trong lĩnh vực công nghệ thông tin nhưng Dự thảo không quy định rõ rang về vấn đề này. Như vậy, khi BLDS chưa có định nghĩa quyền sở hữu tên miền là một trong những loại quyền tài sản đối với quyền sở hữu trí tuệ thì nó có được coi là tài sản hay không? Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, kỹ thuật cũng như trí tuệ ngày nay thì tài sản vô hình liên quan đến quyền của chủ sở hữu là những dạng tài sản có rất nhiều tranh chấp, tuy nhiên BLDS với tư cách là bộ luật gốc, là cơ sở cho các quy định của luật chuyên ngành lại chưa có quy định cụ thể. Do đó, đây cũng là một trong những vấn đề mà Ban Dự thảo BLDS nên xem xét và cân nhắc.
 
Thứ ba, vấn đề sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung của vợ chồng, đây có thể nói là một trong những vấn đề mà hiện nay còn khá nhiều hạn chế, bất cập và gây nhiều khó khăn cho người dân trong việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung của vợ chồng. Dự thảo BLDS quy định vấn đề này tại Điều 655 như sau: “Vợ, chồng có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung bất cứ lúc nào. Nếu người kia không đồng ý thì mỗi người có quyền lập di chúc liên quan đến phần tài sản của mình. Nếu một người đã chết thì người kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình.” Quy định trên của Dự thảo khi đọc lên tưởng chừng như rất dễ hiểu, dễ thực hiện và dễ áp dụng. Nhưng trên thực tế lại xảy ra nhiều trường hợp vướng mắc. Cụ thể, trong trường hợp di chúc chung của vợ chồng đã được lập, nhưng sau đó cả hai vợ chồng đều đồng ý sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, hủy bỏ nhưng một trong hai người đã già yếu không thể cùng nhau thực hiện được một trong các trường hợp trên thì sẽ giải quyết như thế nào?
 
Thứ tư, một trong những vấn đề mới của Dự thảo BLDS đó là quy định về Bảo lưu quyền sở hữu tài sản tại Điều 359 của Dự thảo như sau: “Quyền sở hữu tài sản trong hợp đồng mua bán có thể được bên bán bảo lưu cho đến khi nghĩa vụ thanh toán được thực hiện đầy đủ”.
 
Đối với quy định trên của Dự thảo BLDS sẽ dẫn đến cách hiểu như sau: Quyền bảo lưu sở hữu tài sản của bên bán sẽ được bảo lưu trong trường hợp hai bên mua và bán thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán, tức là sau khi các bên thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của hợp đồng song vụ thì quyền sở hữu tài sản trong hợp đồng mua bán có thể được bên bán bảo lưu. Như vậy, trong quy định này, Dự thảo BLDS đã bỏ thiếu một trường hợp mà trên thực tế có nhiều khả năng xảy ra. Cụ thể: Đó là trường hợp đối với những loại giao dịch dân sự có điều kiện, đối tượng của hợp đồng là những loại tài sản bắt buộc phải tiến hành đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Có nghĩa là, đối với những loại giao dịch này, sau khi các bên trong hợp đồng mua bán đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán cho nhau nhưng lại không thể thực hiện được hợp đồng bởi lý do khách quan, bất khả kháng không xuất phát từ hai bên chủ thể của hợp đồng dẫn đến hợp đồng không thực hiện được thì trong trường hợp này bên bán cso được thực hiện quyền bảo lưu quyền sở hữu tài sản của mình hay không?
 
Ví dụ: Hợp đồng mua bán nhà là một trong những loại giao dịch dân sự có điều kiện, pháp luật dân sự quy định hợp đồng chỉ có hiệu lực sau khi hai bên đã thực hiện thủ tục công chứng tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Như vậy, trong trường hợp này sau khi hai bên đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình như thanh toán, chuyển giao tài sản, nghĩa vụ nộp thuế...nhưng sau đó lại có quyết định của cơ quan Nhà nước về việc thu hồi tài sản để thực hiện dự án thì trong trường hợp này người bán có dược bảo lưu quyền sở hữu tài sản của mình hay không? Trường hợp như trên sẽ giải quyết như thế nào theo quy định của pháp luật hiện hành.
 
Thứ năm, vấn đề tài sản hình thành trong tương lai quy định tại Điều 324 Dự thảo BLDS như sau: “Tài sản hình thành trong tương lai là tài sản hình thành sau thời điểm ký kết hợp đồng bảo đảm”. Đây có thể nói là một trong những loại tài sản cần phải được quy định cụ thể và rõ rang hơn nữa. Bởi nếu chỉ định nghĩa chung chung như Dự thảo nêu trên sẽ làm cho hoạt động thực hiện và áp dụng pháp luật của cơ quan Nhà nước khó khăn hơn cũng như không thể đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Do đó, cần thiết quy định loại tài sản này theo hướng phân chia cụ thể thành tài sản đã hình thành trên thực tế nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu và tài sản chưa được hình thành trong thực tiễn. Riêng đối với loại tài sản hình thành tỏng tương lai đã hiện hữu cần phân chia thành tài sản chưa được cấp Giấy chứng nhận và tài sản đã hiện hữu nhưng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc.
 
Trên đây là một số ý kiến và quan điểm cảu tôi về việc góp ý dự thảo BLDS kính gửi Ban Dự thảo BLSD xem xét và cân nhắc trong các vấn đề nêu trên để đưa ra những quy định phù hợp với pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế cũng như thực tiễn cuộc sống.

Danh mục chính

Tin tức nổi bật

Thống kê truy cập

Đang xem: 12 lượt

Tổng số đã xem: 1418463 lượt

090 574 6666