Góp ý về vai trò của người quản lý di sản dưới cái nhìn của một công chứng viên

Ngày đăng: 07/10/2020
Góp ý dự thảo Bộ Luật Dân Sự (Sửa đổi) về vai trò của người quản lý di sản dưới cái nhìn của một công chứng viên...
GÓP Ý DỰ THẢO BỘ LUẬT DÂN SỰ (SỬA ĐỔI) VỀ VAI TRÒ CỦA NGƯỜI
QUÁN LÝ DI SẢN DƯỚI CÁI NHÌN CỦA MỘT CÔNG CHỨNG VIÊN
 
TS. Tuấn Đạo Thanh – Trưởng Phòng Công chứng số 1 Thành phố Hà Nội.
Phạm Thu Hằng – Văn phòng công chứng Âu Lạc
 
Sau khi tìm hiểu toàn văn dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi, chúng tôi thấy dường như thừa kế là một chế định có rất ít sự thay đổi. Nói theo cách khác, hàng loạt các điều luật nằm trong chế định thừa kế được ghi nhận tại Bộ luật Dân sự ngày 14/6/2005 vẫn tiếp tục được bảo lưu gần như nguyên vẹn tại dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi và qui định về người quản lý di sản cũng không nằm ngoài xu thế đó. Về mặt nguyên tắc, “Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại” (xem Điều 636, Bộ luật Dân sự ngày 14/6/2005) và điều này có nghĩa là người thừa kế phải có trách nhiệm hoàn thành các nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại trong phạm vi di sản. Khoa học pháp lý cũng đưa ra một quan điểm tương tự. Theo Sổ tay Thuật ngữ pháp lí thông dụng do Nhà xuất bản giáo dục ấn hành năm 1996, “di sản thừa kế” là “Tài sản của người chết để lại, bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.
 
Ví dụ:tài sản của người chết trong tài sản chung cua vợ chồng; tài sản chung của công ty trách nhiệm hữu hạn v.v..
 
Di sản thừa kế còn bao gồm quyền sử dụng đất do người chết để lại. Quyền sử dụng đất được để lại thừa kế theo quy định của pháp luật (Điều 637, Bộ luật dân sự). Nếu người chết có để lại nghĩa vụ tài sản đó trước khi chia di sản. Ví dụ: người chết còn nợ thuế với Nhà nước, những người thừa kế có nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước bằng di sản do người chết để lại, sau đó mới được chia di sản thừa kế (nếu di sản thừa kế còn dư)”; Còn theo Từ điển Luật học do Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa – Nhà xuất bản Tư pháp ấn hành năm 2006 thì “di sản thừa kế” là “Tài sản của người chết để lại cho những người thừa kế".
 
Di sản thừa kế bao gồm: tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong khối tài sản chung với người khác; quyền sử dụng đất là di sản thừa kế thoe quy định của pháp luật dân sự và đất đai.
 
Di sản thừa kế còn bao gồm các quyền và nghĩa vụ tài sản của người chết để lại như: quyền đòi nợ, quyền đòi bồi thường thiệt hại; các quyền nhân thân gắn với tài sản như: quyền tác giả, quyền đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp; các khoản nợ, các khoản bồi thường thiệt hại…”. Trên khía cạnh pháp luật thực định, nguyên tắc vừa nêu được khẳng định tại Điều 637, Bộ luật Dân sự ngày 14/6/2005, theo đó “1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
 
2. Trong trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế”  
 
3. Trong trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng những không vượt quá phần tài sản mà hình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
 
4.Trong trường hợp Nhà nước, cơ quan, tổ chức hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân”. Như vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của người quản lý di sản đã được pháp luật dân sự ghi nhận chính là thay mặt những người thừa kế đứng ra thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại. Theo nhận định của chúng tôi, cách thức quy định kể trên nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên thứ ba có liên quan. Để cụ thể hóa nguyên tắc có tính phổ quát ở trên, các nhà làm luật còn sử dụng hai điều luật để ấn định quyền và nghĩa vụ của người quản lý di sản. Cụ thể, Điều 639, Bộ luật Dân sự ngày 14/6/2005 liệt kê những “Nghĩa vụ của người quản lý di sản” bao gồm: “1. Người quản lý di sản quy định tài khoản 1 và tài khoản 3 Điều 638 của Bộ luật này có nghĩa vụ sau đây:  
 
a) Lập danh mục di sản, thu hồi tài sản thuộc di sản của người chết mà người khác đang chiếm hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
 
b) Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp và định đoạt tài sản bằng các hình thức khác, nếu không được những người thừa kế đồng ý văn bản;
 
c) Thông báo về di sản cho những người thừa kế;
 
d) Bồi thường thiệt hại, nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại;
 
đ) Giao lại di sản theo yêu cầu của người thừa kế.
 
2. Người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản quy định tại khoản 2 Điều 638 của Bộ luật này có các nghĩa vụ sau đây:
 
a) Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, cầm cố, thế chấp và định đoạt tài sản bằng các hình thức khác;
 
b) Thông báo về di sản cho những người thừa kế;
 
c) Bồi thường thiệt hại,nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại;
 
d) Giao lại di sản theo thỏa thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc theo yêu cầu của người thừa kế"1. Người quản lý di sản quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 638 cảu Bộ luật này có các quyền sau đây:
 
a) Đại điện cho những người thừa kế trong quan hệ với người thứ ba liên quan đến di sản thừa kế;
 
b) Được hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế.
 
2. Người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản quy định tại khoản 2 Điều 638 của Bộ luật này có các quyền sau đây 
 
a) Được tiếp tục sử dụng di sản theo thỏa thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc được sự đồng ý của những người thừa kế;
 
b) Được hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế”là nội dung Điều 640, Bộ luật Dân sự ngày 14/6/2005 nói về “Quyền của người quản lý di sản”. Tham khảo nội dung hai điều luật kể trên, chúng tôi thấy xuất hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại nhân danh những người thừa kế như Điểm b, Khoản 1, Điều 639, Bộ luật Dân sự ngày 14/6/2005 khẳng định người quản lý di sản phải “Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp và định đoạt tài sản bằng các hình thức khác, nếu không được những người thừa kế đồng ý bằng văn bản”; Hay Điểm a, Khoản 1, Điều 640, Bộ luật Dân sự ngày 14/6/2005 cho phép người quản lý di sản “Đại diện cho những người thừa kế trong quan hệ với người thứ ba liên quan đến di sản thừa kế”…Như vậy, về mặt lý thuyết, dựa trên sự chấp thuận bằng văn bản của những người thừa kế, người quản lý di sản hoàn toàn có đủ tư cách đứng ra thương thảo với bên có quyền và cũng có thể là người trực tiếp xử lý tài sản của người chết nhằm thanh toán các nghĩa vụ do chính người chết để lại. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện cơ chế kể trên trong thực tiễn tỏ ra không mấy khả thi do thiếu cơ sở pháp lý. Để làm rõ thêm nhận định kể trên, chúng tôi xin đơn cử một ví dụ. Ông Nguyễn Văn A chết để lại di sản là một căn hộ chung cư và khoản nợ trị giá 1.000.000.000 đồng (Một tỷ đồng chẵn). Theo nội dung của pháp luật hiện hành, những người thừa kế của Ông Nguyễn Văn A có trách nhiệm thanh toán khoản nợ 1.000.000.000 đồng (Một tỷ đồng chẵn) trong phạm vi giá trị của căn hộ chung cư do Ông Nguyễn Văn A để lại. Tiếp đó, căn cứ vào sự chấp thuận của những người thừa kế, người quản lý di sản có quyền bán căn hộ chung cư kể trên và thanh toán khoản nợ 1.000.000.000 đồng (Một tỷ đồng) cho chủ nợ. Tuy nhiên, căn cứ theo nội dung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan (như: Luật Nhà ở ngày 29/11/2005, đã được sửa đổi, bổ sung ngày 18/6/2009, Nghị định số 71/2010/NĐ-CP ngày 23/6/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật nhà ở và Thông tư số 16/2010/TT-BXD ngày 01/9/2010 của Bộ xây dựng quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 71/2010 ngày 23/6/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở…và kể cả sau này là Luật Nhà ở ngày 25/11/2014), việc người để lại di sản bán căn hộ do Ông Nguyễn Văn A để lại trong tình huống kể trên hoàn toàn không khả thi.
 
Trở lại với nội dung Điều 638, Bộ luật Dân sự ngày 14/6/2005 quy định về “Người quản lý di sản”, theo đó “1.Người quản lý di sản là người được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thỏa thuận cử ra.
 
2. Trong trường hợp di chúc không chỉ định người quản lý di sản và những người thừa kế chưa cử được người quản lý di sản thì người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản tiếp tục quản lý di sản đó cho đến khi những người thừa kế cử được người quản lý di sản.
 
3. Trong trường hợp chưa xác định được người thừa kế và di sản chưa có người quản lý thì di sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý”. Căn cứ nội dung điều luật vừa trích dẫn,chúng ta thấy tối đa có thể xuất hiện tới bốn nhóm người quản lý di sản, bao gồm:
 
- Nhóm thứ nhất: Người quản lý di sản do người lập di chúc chủ động chỉ định theo ý chủ quan của bản thân. Đây là người quản lý di sản chỉ có thể xuất hiện trong trường hợp thừa kế theo di chúc chứ không hề tồn tại trong trường hợp thừa kế theo pháp luật.
 
- Nhóm thứ hai: Người quản lý di sản do những người thừa kế thỏa thuận cử ra nếu như trong di chúc không chỉ định. Đây là người quản lý di sản có thể hiện diện trong cả hình thức thừa kế theo di chúc và hình thức thừa kế theo pháp luật.
 
- Nhóm thứ ba: Người quản lý di sản là người đang trực tiếp chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản đó. Đây là người quản lý di sản chỉ xuất hiện khi không có người quản lý di sản ở nhóm thứ nhất và chưa thống nhất được người quản lý di sản ở nhóm thứ hai.
 
- Nhóm thứ tư: Đây là nhóm người quản lý di sản chỉ xuất hiện khi chưa xác định được người thừa kế và di sản chưa có người quản lý thuộc cả ba nhóm kể trên. Tuy nhiên, trên thực tế rất khó xác định được chính xác người quản lý di sản thuộc nhóm thứ tư.
 
Như vậy, hiện nay chúng ta chưa có bất cứ một quy định nào của pháp luật dân sự chính thức khẳng định công chứng viên có thể trở thành người quản lý di sản. Về mặt kỹ thuật, công chứng viên vẫn có thể trở thành người quản lý di sản nếu như chúng ta căn cứ vào pháp luật điều chỉnh lĩnh vực công chứng. Cụ thể, Khoản 1, Điều 2, Luật Công chứng ngày 20/06/2014 nêu rõ “Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng”. Như vậy, căn cứ theo sự “tự nguyện yêu dấu” của người để lại di chúc hay của những người thừa kế, công chứng viên vẫn có thể trở thành một người quản lý di sản thực thụ. Tất nhiên, quyền và nghĩa vụ của công chứng viên với tư cách là người quản lý di sản dường như cũng không có gì khác biệt so với bốn nhóm người quản lý di sản như đã liệt kê ở trên và cũng được ấn định tại Điều 639 và Điều 640, Bộ luật Dân sự ngày 14/6/2005.
 
Tìm hiểu toàn văn dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi, chúng tôi thấy các quy định xoay quanh nguyên tắc người thừa kế phải thực hiện nghĩa vụ dân sự do người chết để lại vẫn được bảo lưu (xem Điều 637 và Điều 638, dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi). Và như là hệ quả tất yếu, các quy định xoay quanh người quản lý di sản hầu như được giữ nguyên trong dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi. Cụ thể, nội dung các Điều 639, dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi quy định về “Người quản lý di sản”; Điều 640, dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi ấn định “Nghĩa vụ của người quản lý di sản” và Điều 641, dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi xác định “Quyền của người quản lý di sản” cũng không có gì thay đổi so với Bộ luật Dân sự vào ngày 14/6/2005 (so sánh với nội dung các Điều 638, Điều 639 và Điều 640, Bộ luật Dân sự ngày 14/6/2005). Rõ ràng, cách thức quy định như hiện nay cũng như trong dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi khiến cho vai trò của người quản lý di sản không mấy phát huy hiệu quả trên thực tế cuộc sống. Do đó, chúng tôi cho rằng trong dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi, chúng ta cần xác định rõ ràng vai trò của công chứng viên trong chế định thừa kế, nhất là với tư cách của người quản lý di sản. ý kiến trên được đưa ra dựa trên một số lập luận như sau:
 
- Về mặt cơ sở pháp lý, hiện nay rất nhiều đạo luật đã khẳng định vai trò của công chứng viên trong chế định thừa kế như chứng nhận di chúc (xem Điều 650, Bộ luật Dân sự ngày 14/6/2005 và Điều 651, dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi), nhận gửi giữ di chúc (xem Điều 665, Bộ luật Dân sự ngày 14/6/2005 và Điều 666, dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi), công bố di chúc (xem Điều 672, Bộ luật Dân sự ngày 14/6/2005 và Điều 673, dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi)…cho đến chứng nhận văn bản từ chối nhận di sản (xem Điều 59, Luật Công chứng ngày 20/6/2014), văn bản thỏa thuận phân chia di sản (xem Điều 57, Luật Công chứng ngày 20/6/2014) hay văn bản khai nhận di sản (xem Điều 58, Luật Công chứng 20/6/2014). Tuy nhiên, vai trò của công chứng viên với tư cách là người quản lý di sản lại chưa được chính thức khẳng định.
 
- Bên cạnh việc chính thức khẳng định công chứng viên có thể trở thành người quản lý di sản theo ý chí của người để lại di chúc hay dựa trên thỏa thuận của những người thừa kế. Về mặt nguyên tắc, người để lại di chúc cũng như những người được hưởng thừa kế có toàn quyền quyết định có chỉ định công chứng viên trở thành người quản lý di sản hay không cũng như ấn định phạm vi quyền hạn cũng như nghĩa vụ của công chúng viên với tư cách người quản lý di sản. Hơn thế nữa, dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi cần phải tạo lập hành lang pháp lý riêng biệt, khả thi để người quản lý di sản nói chung hay người quản lý di sản là công chứng viên nói riêng có thể thực hiện trọn vẹn quyền và nghĩa vụ của mình, bao gồm cả việc xử lý tài sản nhằm thanh toán các nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại.
 
- Nhìn một cách tổng thể, theo quy định của pháp luật có liên quan, công chứng viên cũng là một trong những người có khả năng cao nhất trong việc xác định toàn bộ khối di sản cũng như nghĩa vụ của người chết để lại. Nhận định kể trên được đưa ra khi chúng tôi tìm hiểu nội dung của hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như Luật Công chứng ngày 20/6/2014. Luật Đất đai ngày 29/11/2013, Luật Nhà ở ngày 29/11/2005, đã được sửa đổi, bổ sung ngày 18/6/2009 (sau này là Luật Nhà ở ngày 25/11/2014), Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm, Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23/7/2010 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm, Nghị định số 11/2012 NĐ-CP ngày 22/2/2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm…Điều này lại càng trở nên khả thi hơn khi chúng ta xây dựng xong hệ thống cơ sở dữ liệu công chứng theo nội dung Điều 62, Luật Công chứng ngày 20/6/2014.
 
- Về mặt chi phí mà người yêu cầu công chứng phải thanh toán cho công chứng viên khi đề nghị công chứng viên đóng vai trò của người quản lý di sản: Hiện nay, nguyên tắc người quản lý di sản được hưởng thù lao đã được quy định tại Bộ luật Dân sự năm 1995 (xem Điểm a, Khoản 1, Điều 643, Bộ luật Dân sự ngày 28/10/1995) và Bộ luật Dân sự năm 2005 (xem Điểm b, khoản 2, Điều 641, dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi). Do đó, việc cho phép công chứng viên hưởng thù lao khi đóng vai trò người quản lý di sản hoàn toàn không gây ra bất kỳ sự xáo trộn đáng kể nào. Hơn thế nữa, Nhà nước còn có thể khống chế được mức thù lao của người quản lý di sản (xem Điểm đ, Luật Công chứng ngày 20/6/2014) rồi từ đó tăng nguồn thu cho ngân sách.
 
Chính vì vậy, việc cho phép người để lại di sản hoặc những người được hưởng thừa kế có quyền chỉ định công chứng viên làm người quản lý di sản cũng tạo lập hành lang pháp lý để công chứng viên có thể thực thi trọn vẹn, hoàn hảo quyền và nghĩa vụ của người quản lý di sản sẽ là một biện pháp hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ cũng như của bên thứ ba có liên quan./.

Danh mục chính

Tin tức nổi bật

Thống kê truy cập

Đang xem: 123 lượt

Tổng số đã xem: 1549500 lượt

090 574 6666