Góp ý với 10 vấn đề trọng tâm tại Phụ lục III ban hành kèm theo Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 02/01/2015

Ngày đăng: 07/10/2020
Góp ý với 10 vấn đề trọng tâm tại Phụ lục III ban hành kèm theo Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 02/01/2015...
MỘT SỐ GÓP Ý ĐỐI VỚI
DỰ THẢO BỘ LUẬT DÂN SỰ (SỬA ĐỔI)
 
Luật sư Trần Đăng Chung
Văn phòng luật sư Luật và Phát triển
 
I. Với 10 vấn đề trọng tâm tại Phụ lục III ban hành kèm theo Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 02/01/2015:
 
1. Về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ dân sự:
 
Nhất trí với ý kiến thứ nhất: Dự thảo Bộ luật bổ sung Điều 19, theo đó, Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng; trong trường hợp này, Tòa án căn cứ vào tập quán (Điều 11), nguyên tắc áp dụng pháp luật tương tự, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và lẽ công bằng (Điều 12) để xem xét, giải quyết.  
 
Không nhất trí với ý kiến thứ hai, vì:
 
- Về vấn đề giải thích pháp luật là quyền và trách nhiệm đương nhiên của Tòa án nói riêng và của Toàn xã hội nói chung. Chỉ khác nhau ở chỗ, Tòa án là cơ quan tài phán nhân danh Nhà nước, là cơ quan tiến hành tố tụng và do vậy, giải thích pháp luật từ cơ quan Tòa án được xem là giải thích chính thức theo một quy trình được quy định nghiêm ngặt và phải gắn với trách nhiệm. Điều đáng lưu ý ở đây là giải thích chứ không phải quy định quy phạm pháp luật, đây là quyền và trách nhiệm cua cơ quan lập pháp.  
 
- Việc giải thích về quyền độc lập và chỉ tuân theo pháp luật của Thẩm phán và Hội thẩm như vậy là chưa thuyết phục. Vì tính cần thiết trong việc bảo vệ quyền dân sự và vì sự thượng tôn quyền con người, quyền công dân, quyền dân sự trong Nhà nước hiện đại thì việc luật hóa quyền cho phép Thẩm phán được áp dụng tập quán, nguyên tắc áp dụng pháp luật tương tự, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và lẽ công bằng để xem xét, giải quyết là một bước tiến quan trọng và đây cũng được hiểu là căn cứ pháp luật (được ghi nhận trong BLDS sửa đổi) để thực thi theo đúng tinh thần của Hiến pháp. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy và hoàn thiện hơn, hiệu quả hơn hoạt động tranh tụng tại nước ta. Vấn đề đặt ra là cơ chế giám sát và phản biện xã hội như thế nào để đảm bảo đạt mục tiêu mới là điều quan trọng. Không thể dựa vào quy định của Hiến pháp để “đóng băng” việc ban hành, bổ sung, điều chỉnh pháp luật trong đời sống thực tế từ luật gốc, miễn sao việc ban hành mới, ban hành bổ sung, sửa đổi, điều chỉnh đó phải theo tính thần thượng tôn pháp luật, phù hợp tinh thần của Hiến pháp và vì lợi ích của cộng đồng, xã hội, vì sự phát triển vững mạnh của đất nước.
 
- Theo quy định hiện nay, đã là Thẩm phán và Hội thẩm thì đều được hiểu là những người có chuyên môn, nghiệp vụ và được đào tạo bài bản, có kỹ năng đáp ứng yêu cầu để thực hiện nhiệm vụ. Về vấn đề giải thích pháp luật cũng không nằm ngoài yêu cầu trên. Do vậy, nói “thiếu tính khả thi vì việc thực hiện trên thực tế đòi hỏi Thẩm phán, Hội thẩm phải được đào tạo một cách bài bản về nghiệp vụ, kỹ năng giải thích pháp luật” là chưa thỏa đáng.
 
- Vì tính cần thiết, việc quy định trong Luật tổ chức Tòa án hoặc Bộ luật TTDS không phải là vấn đề và lại càng không nên là một lý do để không đưa vào dự thảo.
 
2. Về quyền nhân thân
 
Đồng ý với ý kiến thứ nhất.
 
3. Về chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự
 
Nhất trí với ý kiến thứ nhất: Chỉ quy định chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự là cá nhân và pháp nhân.
 
Không nhất trí với ý kiến thứ hai, vì:
 
- Hộ gia đình và tổ hợp tác như hiện nay không có cấu trúc chặt chẽ và tách biệt về tài sản như cá nhân và pháp nhân do vậy sẽ rất phức tạp trong vấn đề chịu trách nhiệm cũng như hưởng quyền, lợi ích trong giao dịch dân sự và trong quan hệ dân sự.  
- Kinh nghiệm các nước trên thế giới không ghi nhận chủ thể là hộ gia đình và tổ hợp tác như ở VN chúng ta là bởi lý do kinh tế, văn hóa, xã hội và lịch sử riêng cua VN. Tuy nhiên, để phù hợp quy luật phát triền chung, đã đến lúc chúng ta phải tiếp thu và điều chỉnh về loại chủ thể này. Tuy nhiên cũng cần nghiên cứu kỹ để áp dụng sự thay đổi có lộ trình và điểu chỉnh sự thay đổi trong quy định pháp luật được đồng bộ.
 
4. Về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức
 
Nhất trí với ý kiến thứ hai, không nhất trí với ý kiến thứ nhất, bởi: Vô hình trung như vậy là chúng ta thừa nhận việc quy định hình thức của giao dịch là điều kiện có hiệu lực pháp lý của giao dịch chỉ là hình thức và như vậy làm mất đi mục đích, ý nghĩa của chế định pháp lý này. Còn trường hợp được loại trừ tính vô hiệu nếu vi phạm về hình thức như liệt kê tại dự thảo (Điểm a, Khoản 1 Điều 145) thì theo quy định của pháp luật hiện hành thì ngay cả khi thực hiện giao dịch đó mà đáp ứng về mặt hình thức nhưng việc thực hiện giao dịch là nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người khác và chủ thể giao dịch dân sự đã chuyển giao tài sản hoặc đã thực hiện công việc xem như được công nhận tính có hiệu lực như những giao dịch được hực hiện đáp ứng về mặt hình thức sẽ dẫn tới tình trạng bỏ qua khâu thực hiện đáp ứng quy định về hình thức của giao dịch là phổ biến trên thực tế. Từ đó mà quy định về hình thức của giao dịch là điều kiện có hiệu lực thực đúng chỉ còn là mang tính hình thức. Bất ổn trong đời sống kinh tế xã hội và trong giao dịch dân sự sẽ là gia tăng chứ không thể nào lại là “ góp phần bảo đảm sự ổn định của quan hệ thị trường” và “bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba” như quan điểm được nêu ở ý kiến thứ nhất. Bởi vì chế định pháp lý có quy định về hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực nhằm đảm bảo điều chỉnh, kiểm soát tốt hơn về mặt luật pháp cũng thông qua đó mà hạn chế tới mức tối đa rủi ro cho các bên trong giao dịch dân sự đó (liên quan tới tài sản có giá trị lớn và có tính đặc thù).
 
5. Về bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu
 
Nhất trí với ý kiến thứ nhất: Việc người thứ ba căn cứ vào việc tài sản giao dịch đã được đăng ký theo đúng quy định pháp luật mà họ tiến hành giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu là điều đương nhiên vởi đây được hiểu là tài sản hợp pháp, được quyền thực hiện giao dịch. Còn ở những trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết tài sản của đối tượng giao dịch đã bị chiếm đoạt bất hợp pháp hoặc ngoài ý chí của chủ sở hữu thì không những bị coi là vô hiệu mà còn là vi phạm pháp luật thậm chí là tội phạm hình sự. Điều này đã được pháp luật quy định rõ, vừa là để bảo vệ chủ sở hữu cũng là bảo vệ bên thứ ba vừa là để thúc đẩy quan hệ, giao dịch dân sự công khai, minh bạch, tuận thủ quy định của pháp luật. Việc thực hiện đăng ký quyền sở hữu/quyền sử dụng trải qua một quy trình chặt chẽ và bởi vậy, khi chủ thể và thực hiện đầu đủ, đúng pháp luật quy trình và đáp ứng các điều kiện thì việc xác lập giao dịch đó sẽ phải được công nhận, Sai ở khâu nào thì cá nhân liên quan ở khâu đó phải chịu trách nhiệm. Đối với người dân cũng sẽ phải thay đổi nhận thức đặc biệt là ý thức pháp luật bởi đời sống cộng đồng, nhân loại luôn phát triển là một xu thế tất yếu mà nó không chờ một ai trong quá trình phát triển của mình.
 
6. Về hình thức sở hữu
 
Nhất trí với ý kiến thứ hai: quy định hai hình thức sở hữu, bao gồm sở hữu riêng và sở hữu chung, trong đó sở hữu toàn dân là một dạng đặc biệt của sở hữu chung (sở hữu chung hợp nhất do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý).
 
 
7. Về thời điểm xác lập quyền sở hữu và các quyền khác
 
Nhất trí với ý kiến thứ hai:Vì ở đây (Điều 168 BLDS hiện hành) chúng ta đang đề cập cụ thể tới thời điểm xác lập quyền sở hữu đối với một loại tài sản đặc thù đó là bất động sản.
 
Hơn nữa chưa rõ lắm về ý tưởng khi dùng khái niệm “vật quyền” trong dự thảo và hình như chưa có khái niệm về “vật quyền” ngoại trừ mỗi Điều 183 Dự thảo có nêu: “Các vật quyền khác
 
1. Quyền địa dịch;
 
2. Quyền hưởng dụng
 
3. Quyền ưu tiên;
 
4. Quyền ưu tiên
 
5. Các quyền khác theo quy định của pháp luật”
 
-> Vẫn không hiểu.
 
8. Về điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi
 
Nhất trí với ý kiến thứ hai.
 
9. Về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản
 
Nhất trí với ý kiến thứ hai. Tuy nhiên băn khoăn ở chỗ mức lãi suất trần được quy định cụ thể trong Bộ luật dân sự sẽ dựa vào đâu để tham chiếu mà đưa ra mức trần.
 
10. Về thời hiệu: Nhất trí với ý kiến thứ nhất.
 
II. Nội dung góp ý khác: (Xin thêm ý kiến góp ý)
 
Bỏ khái niệm và chế định pháp lý về nơi thường trú, thống nhất trong BLDS (sửa đổi) và các văn bản luật khác về việc dùng khái niệm nơi cư trú. Quy định như hiện nay Điều 52 Dự thảo BLDS (sửa đổi) đang có mâu thuẫn nội tại về mặt khái niệm. Nơi cư trú là nơi thường xuyên hoặc phần lớn thời gian sinh sống hay Nơi cư trú là nơi thường trú hoặc tạm trú?
 
Bởi những lý do sau:
 
- Thứ nhất, hiện nay không có khái niệm thống nhất và chính thức, chuẩn xác về tạm trú và thường trú (thường nhầm với nơi đăng ký hộ khẩu). Không thấy có sự phân định cần thiết giữa tạm trú và thường trú liên quan tới ý nghĩa nơi cư trú của con người cả về mặt quản lý Nhà Nước. Để thực hiện công tác quản lý hộ tịch, quản lý con người, nhân khẩu…đã có quy định về nơi cư trú.
 
- Thứ hai, theo xu thế phát triển phù hợp đời sống thực tiễn và liên quan tới công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính và cải cách nền hành chính quốc gia đang được quan tâm thực hiện như hiện nay thì việc bỏ khái niệm nơi thường trú sẽ giảm được việc cấp nhiều loại giấy tờ, sổ sách như hiện nay: Sổ thường trú (không có quy định nhưng được hiểu là Sổ hộ khẩu), giấy xác nhận nơi thường trú, nơi ở hiện tại…Hơn nữa, tiến tới bỏ khái niệm hộ gia đình thì sổ hộ khẩu cũng nên và sẽ phải bỏ và thay bằng Sổ cư trú trong đó liệt kê các thành viên thường xuyên sống cùng (thường xuyên sinh sống, không nhất thiết phải cùng huyết thống hay có quan hệ về huyết thống…)tại một địa chỉ. Như vậy sẽ tiện hơn cho công tác quản lý và dễ nắm bắt được đối tượng trên địa bàn quản lý một cách thống nhất. Không vô tình tạo nên một cơ chế phân biệt đối xử trong quản lý đời sống con người về hộ tịch.

Danh mục chính

Tin tức nổi bật

Thống kê truy cập

Đang xem: 8 lượt

Tổng số đã xem: 1425701 lượt

090 574 6666