Điểm mới về người đại diện theo pháp luật của Doanh nghiệp
Ngày đăng: 07/10/2020
Quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp được xem là một trong những điểm mới nổi bật của Luật Doanh nghiệp 2014, có hiệu lực từ 1/7/2015, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động.
Luật Doanh nghiệp 2014, có hiệu lực từ 1/7/2015 đã đánh dấu một bước chuyển đổi quan trọng trong quy trình đăng kí kinh doanh cũng như các quy định về cơ cấu và hoạt động của từng hình thức doanh nghiệp tại Việt Nam. Trong đó, vấn đề người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp được xem là một trong những điểm mới nổi bật, tháo gỡ những hạn chế, bất cập của luật cũ, tiếp tục tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, phù hợp với xu hướng chung của thế giới.
Trước hết, thay vì phân bố một cách rải rác các quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp như luật cũ, Luật Doanh nghiệp 2014 đã tập hợp chúng trong một điều khoản chung (Điều 13, Điều 14), tạo điều kiện cho người tìm hiểu dễ dàng nắm bắt thông tin, dễ dàng áp dụng cho các loại hình doanh nghiệp.
Mặt khác, các quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp cũng được quy định một cách cụ thể, chi tiết và có nhiều đổi mới, bao gồm:
Thứ nhất, khoản 2 Điều 13 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: Công ty TNHH và công ty Cổ phần “có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp”.
Có thể nói, đây là một trong những nội dung thay đổi cơ bản so với Luật Doanh nghiệp 2005 (công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần chỉ có duy nhất một người đại diện theo pháp luật). Quy định này nhằm hướng tới việc tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, cho phép doanh nghiệp toàn quyền quyết định số lượng người đại diện theo pháp luật cho mình trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Đứng dưới khía cạnh đảm bảo quyền tự do kinh doanh, đây là một quy định mang tính đột phá trong việc cho doanh nghiệp toàn quyền quyết định số lượng người đại diện theo pháp luật, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể hội nhập nhanh hơn, tận dụng được mọi cơ hội kinh doanh thông qua các đại diện theo pháp luật. Đồng thời, quy định này đã “gỡ rối” cho doanh nghiệp trong trường hợp người đại diện duy nhất của doanh nghiệp bất hợp tác, không thực hiện các yêu cầu của thành viên/cổ đông trong quá trình quản lý điều hành doanh nghiệp trong nội bộ cũng như giao dịch với bên ngoài công ty. Bằng cách có nhiều hơn 1 người đại diện, sự lạm quyền, bất hợp tác như đã nói trên sẽ bị vô hiệu hóa.
Tuy nhiên, quy định này vẫn còn cần phải được hướng dẫn, cụ thể hóa hơn nữa nhằm tránh những hậu quả có thể xảy ra đối với các chủ thể khác trong quan hệ với doanh nghiệp. Bởi lẽ, về logic, khi một doanh nghiệp cử hơn một người đại diện, trong nội bộ tổ chức doanh nghiệp sẽ quy định rõ thẩm quyền của mỗi người để tránh chồng chéo và tăng cường hiệu quả quản lý. Tuy nhiên, nếu thông tin về việc phân công trách nhiệm chỉ giới hạn trong nội bộ doanh nghiệp, thì các chủ thể bên ngoài (đối tác…) sẽ khó mà biết được người đại diện mà mình đang đàm phán có thẩm quyền quyết định trong giao dịch mà mình hướng tới hay không.
Bên cạnh đó, đứng dưới khía cạnh đảm bảo an toàn trong giao dịch cũng như quyền lợi của đối tác doanh nghiệp, quy định của Luật vẫn chưa giải quyết được sự phân định trách nhiệm của doanh nghiệp và người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trong trường hợp người đại diện thực hiện các giao dịch không đúng thẩm quyền. Bản thân đối tác kinh doanh của các công ty này cũng rất khó có cơ chế để kiểm tra xem người đại diện theo pháp luật mà mình đang đàm phán có đầy đủ thẩm quyền để xác lập giao dịch với mình hay không.
Chính vì vậy, để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể khác, các Nghị định hướng dẫn Luật Doanh nghiệp 2014 nên quy định rõ:“Trong trường hợp doanh nghiệp có hơn một người đại diện theo pháp luật thì thẩm quyền của từng người đại diện theo pháp luật phải được thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn… ngày, kể từ ngày có quyết định cử người đại diện theo pháp luật”. Đồng thời cần xác định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trong giao dịch với chủ thể khác:“Trường hợp người đại diện theo pháp luật xác lập giao dịch vượt ngoài thẩm quyền đại diện được phân công theo quy định của công ty với người thứ ba, thì giao dịch đó vẫn có giá trị đối với doanh nghiệp được đại diện, người đại diện sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp với doanh nghiệp, trừ trường hợp, người thứ ba biết hoặc phải biết người đại diện đó không có thẩm quyền xác lập giao dịch với mình”.
Thứ hai, đối với công ty cổ phần, Luật doanh nghiệp 2014 đã bỏ đi quy định “Giám đốc hoặc Tổng giám đốc không được đồng thời làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp khác” (Điều 116 Luật doanh nghiệp 2005 ) trừ quy định tại khoản 8 Điều 100 Luật Doanh nghiệp 2014 (đối với doanh nghiệp nhà nước) Việc bỏ đi quy định này sẽ không làm hạn chế quyền tự do kinh doanh của cá nhân trong nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau, đồng thời sẽ đáp ứng được các yêu cầu của các doanh nghiệp lớn.
Thứ ba, Luật Doanh nghiệp 2014 đã có quy định tiến bộ về cơ chế giải quyết trong trường hợp người đại diện theo pháp luật thường xuyên vắng mặt tại Việt Nam.
Theo đó: Doanh nghiệp phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam. Khi người đại diện này đi nước ngoài, người này phải ủy quyền đại diện lại cho người khác và phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ đã ủy quyền.
Khi hết thời hạn uỷ quyền mà người đại diện chưa trở lại Việt Nam, người đã được uỷ quyền vẫn tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ & quyền lợi được uỷ quyền:
· Cho tới khi người đại diện quay trở lại Việt Nam; hoặc
· Tới khi chủ công ty/hội đồng quản trị cử người khác làm đại diện.
Thứ tư, Luật Doanh nghiệp 2014 đã quy định cụ thể về các trường hợp phải cử người khác làm người đại diện theo pháp luật, theo đó: Trong các trường hợp sau (đối với doanh nghiệp chỉ có 1 người đại diện), chủ sở hữu hoặc hội đồng quản trị được phép cử người khác làm đại diện pháp luật theo điều lệ công ty:
· vắng mặt tại Việt Nam quá 30 ngày mà không ủy quyền cho người khác
· bị chết, mất tích
· tạm giam, kết án tù,
· bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự Đối với công ty TNHH có 2 thành viên, thành viên còn lại sẽ làm người đại diện theo pháp luật cho tới khi có quyết định mới của Hội đồng thành viên.
Ngoài ra, trong một số trường hợp đặc biệt, Toà án cũng có thẩm quyền có quyền chỉ định người đại diện.
Như vậy, luật Doanh nghiệp mới đã có nhiều thay đổi tiến bộ, tích cực, tạo dựng khung pháp lý vững chắc, cởi mở, đáp ứng được các nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp. Tuy nhiện, vẫn còn có những hạn chế cần phải được khắc phục để mang lại hiệu quả cao hơn
TIN TỨC LIÊN QUAN