Pháp luật về hình thức Hợp đồng hợp tác kinh doanh

Ngày đăng: 07/10/2020
Hiện nay ở Việt Nam tồn tại nhiều loại hình đầu tư, trong đó hình thức đầu tư theo hợp đồng hợp tác kinh doanh hay còn gọi là hợp đồng BCC là hình thức đầu tư linh hoạt và hiệu quả được pháp luật của hầu hết các quốc gia trên thế giới ghi nhận và đang ngày càng được nhà đầu tư trong và ngoài nước ưu tiên lựa chọn khi tiến hành hoạt động đầu tư của mình.
Hợp đồng hợp tác kinh doanh (hợp đồng BCC) là gì?
 
Hợp đồng hợp tác kinh doanh được quy định tại Khoản 9 Điều 3 của Luật đầu tư 2014 theo đó thì : “Hợp đồng hợp tác kinh doanh (sau đây gọi là hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế.”
 
Theo pháp luật về đầu tư của nước ta, cụ thể là điều 28 của Luật đầu tư 2014 thì :
"1. Hợp đồng BCC được ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.
2. Hợp đồng BCC được ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều 37 của Luật này.
3. Các bên tham gia hợp đồng BCC thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng BCC. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban điều phối do các bên thỏa thuận.”
 
Một số đặc điểm của hợp đồng BCC
 
- Chủ thể của hợp đồng là các nhà đầu tư bao gồm cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Số lượng chủ thể trong từng hợp đồng không giới hạn, tùy thuộc vào quy mô dự án và nhu cầu, khả năng mong muốn của các nhà đầu tư.
 
- Hình thức của hợp đồng không bắt buộc lập thành văn bản, trừ trường hợp dự án đầu tư phải thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư hoặc thẩm tra dự án.Tuy nhiên trong trường hợp dự án đầu tư bằng hợp đồng hợp tác kinh doanh phải làm thủ tục đăng kí đầu tư hay thẩm tra dự án đầu tư thì phải lập thành văn bản.
 
- Nội dung của hợp đồng là những thỏa thuận hợp tác kinh doanh bao gồm các thỏa thuận về mục đích và phạm vi hợp tác, thời hạn hợp tác, phương thức góp vốn kinh doanh, phương án cùng phân chia lợi nhuận và rủi ro, nội dung hợp tác đặc biệt là các thỏa thuận về các phương thức quản lý và điều hành hoạt động kinh doanh.
 
- Cách thức thực hiện hợp đồng: hoạt động đầu tư được thiết lập trên cơ sở hợp đồng ký kết giữa các nhà đầu tư nhưng không thành lập pháp nhân mới, quyền và nghĩa vụ của các bên chỉ ràng buộc với nhau bởi hợp đồng mà không có sự ràng buộc về mặt tổ chức như ở các hình thức đầu tư thành lập pháp nhân mới.
 
Ưu điểm
 
Thứ nhất, hình thức đầu tư theo hợp đồng BCC không phải thành lập tổ chức kinh tế. Đây có thể coi là một trong những ưu điểm giúp BCC thu hút được nhiều sự chọn lựa của các nhà đầu tư, không phải thành lập tổ chức kinh tế sẽ đồng nghĩa giúp các nhà đầu tư tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức và tiền bạc.
 
Thứ hai , đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC cũng là một trong những lựa chọn tối ưu cho các nhà đầu tư nước ngoài khi có ý định đầu tư vào một thị trường mới nhưng vẫn nhanh chóng tiếp cận được thông tin dưới sự am hiểu về thị trường thông qua những đối tác trong nước. Đồng thời, nhà đầu tư trong nước cũng được đối tác hỗ trợ về vốn, công nghệ hiện đại trong hoạt động sản xuất kinh doanh hay phát triển dự án đầu tư. Hình thức đầu tư này phù hợp với các dự án đầu tư ngắn hạn và tiến độ thực hiện nhanh.
 
Thứ ba, trong quá trình thực hiện hợp đồng, nhà đầu tư nhân danh tư cách pháp lý độc lập của mình để chủ động thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ. Tư cách pháp lý độc lập giúp các bên không phụ thuộc vào nhau, tạo sự linh hoạt chủ động trong hoạt động kinh doanh trên cơ sở bình đẳng, không ràng buộc.
 
Nhược điểm 
 
Thứ nhất, việc không thành lập pháp nhân là ưu thế nhưng cũng là hạn chế đối với hình thức đầu tư này. Việc thực hiện những hợp đồng, giao dịch bên lề nhằm phục vụ cho hợp đồng BCC cũng sẽ gây phân vân cho bên thứ ba khi không tồn tại một đại diện – một công ty liên doanh giữa các nhà đầu tư. Trong khi pháp luật Việt Nam vẫn chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm giữa các bên đối tác khi giao kết hợp đồng với bên thứ ba. Ngoài ra, các nhà đầu tư sẽ phải thỏa thuận việc lựa chọn con dấu của một trong hai bên để phục vụ cho việc kí kết các hợp đồng với bên thứ ba. Nếu rủi ro xảy ra, cụ thể khi các bên bất đồng quan điểm trong việc sử dụng con dấu để ký kết hợp đồng, thì dự án đầu tư đó sẽ phải dừng lại và chờ đợi giải quyết.
 
Thứ hai, hình thức đầu tư theo hợp đồng BCC dễ tiến hành, thủ tục đầu tư không quá phức tạp do vậy chỉ phù hợp với những dự án cần triển khai nhanh mà thời hạn ngắn, những dự án có thời gian dài, cần triển khai theo từng giai đoạn mà việc quản lý, kinh doanh phức tạp thực sự không phù hợp.
 
Thứ ba, hiện nay chưa có Nghị định hướng dẫn thi hành quy định cụ thể về trách nhiệm của các bên trong hợp đồng BCC khi một bên giao kết hợp đồng với bên thứ ba trong quá trình thực hiện hợp đồng BCC theo Luật đầu tư 2014.
 
Với những ưu điểm riêng của mình thì hợp đồng BCC đang trở thành một sự lựa chọn hữu ích cho các nhà đầu tư , rất thích hợp với các dự án cần triển khai nhanh và thời hạn đầu tư ngắn, không chỉ đối với các dự án đầu tư nước ngoài mà là cả đối với đầu tư trong nước.

Danh mục chính

Tin tức nổi bật

Thống kê truy cập

Đang xem: 22 lượt

Tổng số đã xem: 1441054 lượt

090 574 6666