Xác định quan hệ tranh chấp trong vụ án ly hôn
Ngày đăng: 31/10/2020
Vụ án có những quan hệ tranh chấp là gì là từ yêu cầu của đương sự. Yêu cầu của đương sự bao gồm yêu cầu của nguyên đơn, phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Hỏi: Ông A kết hôn với bà B và có 4 con chung. Sau khi bà B chết được một thời gian thì ông A chung sống như vợ chồng với Bà C và không đăng ký kết hôn. Ông A và bà C có sử dụng chung một khối tài sản gồm: nhà, đất thổ cư, đất nông nghiệp, đất trồng rừng. Nay, ông A chết, các con riêng của ông A cho rằng những tài sản trên là của ông A nên đã chiếm nhà đất nêu trên. Bà C khởi kiện yêu cầu các con riêng của ông A phải trả lại cho bà toàn bộ tài sản. Trường hợp này nên xác định mối quan hệ pháp luật là loại tranh chấp gì?
Trả lời:
Vụ án có những quan hệ tranh chấp là gì là từ yêu cầu của đương sự. Yêu cầu của đương sự bao gồm yêu cầu của nguyên đơn, phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tất cả các yêu cầu đó tạo nên các quan hệ tranh chấp trong vụ án và cũng là phạm vi giải quyết của vụ án. Vụ án có thể chỉ có một quan hệ tranh chấp nhưng cũng có thể có nhiều quan hệ tranh chấp. Xác định đúng quan hệ tranh chấp là để xác định phạm vi xét xử, áp dụng đúng pháp luật, mà trước hết là xác định có những đương sự nào trong vụ án. Xác định đúng quan hệ tranh chấp là đặt tên đúng các yêu cầu của đương sự chứ không phải là tùy tiện mở rộng phạm vi hay thu hẹp phạm vi yêu cầu của đương sự. Từ ví dụ trên có thể có những tình huống cụ thể như sau:
1. Bà C cho rằng bà là chủ duy nhất của khối tài sản mặc dù ông A đã từng sử dụng chung nên đòi những người đang chiếm hữu bất hợp pháp tài sản của bà trả lại tài sản (và không có phản tố hay yêu cầu độc lập nào khác) thì vụ án chỉ có quan hệ tranh chấp là đòi lại tài sản, bị đơn chỉ là những người đang trực tiếp chiếm hữu tài sản (giả sử có 2 trong số 4 người con của ông A chiếm giữ tài sản), người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là những người đang cùng chiếm giữ (như vợ của 2 người đang chiếm giữ). Nếu tòa án xác định yêu cầu của bà C là đúng thì chấp nhận buộc 2 người con của ông A và vợ của 2 người này trả lại tài sản cho bà C. Nếu tòa án xác định yêu cầu của bà C không hoàn toàn đúng thì bác yêu cầu của bà C (bác yêu cầu công nhận là chủ duy nhất).
2. Nếu bà C cho rằng khối tài sản đang bị chiếm là tài sản chung giữa bà với ông A, yêu cầu được trả lại phần của bà thì vụ án đã trở nên có 2 quan hệ tranh chấp là quan hệ tranh chấp đòi lại tài sản và quan hệ tranh chấp chia tài sản chung. Trong trường hợp này các thừa kế của ông A phải tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (chứ không phải chỉ có những người đang trực tiếp chiếm giữ tài sản).
3. Trong trường hợp bà C yêu cầu đòi lại tài sản thuộc phần do bà làm chủ vừa yêu cầu chia di sản thừa kế của ông A (hoặc bà C không yêu cầu chia thừa kế nhưng các con của Ông A lại có phản tố chia thừa kế) thì vụ án đã trở nên có 3 quan hệ tranh chấp (thậm chí còn có thể cso tranh chấp về việc bà C có quan hệ hôn nhân hợp pháp với ông A hay không); đối tượng của vụ án có thể còn là những tài sản khác và có thể có thêm người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác. Như vậy, việc xác định quan hệ tranh chấp không phải chỉ là việc đặt tên cho vụ án và không phải mỗi vụ án luôn luôn chỉ có một quan hệ tranh chấp.
Tòa nhà HSLAWS, Số 183 Trường Chinh, Khương Mai, Thanh Xuân, Hà Nội.
Điện thoại VP: 04 3724 6666 ; Di động : 090 574 6666
TIN TỨC LIÊN QUAN