Tính hợp pháp của di chúc và Thỏa thuận chia tài sản cho con chung khi ly hôn
Ngày đăng: 31/10/2020
Liên quan đến tính hợp pháp của di chúc, Điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định như sau: “Điều 652. Di chúc hợp pháp.
Hỏi: Tôi có em gái đã kết hôn và có 01 con 12 tháng tuổi. Trước khi kết hôn bên nhà chồng có làm di chúc chia cho chồng của em gái tôi một mảnh đất 50m2. Trong di chúc ghi rõ là nếu con cái li hôn thì con dâu không được thừa hưởng tài sản đó. Vừa qua, do khúc mắc trong cuộc sống, hai người đã ly dị. Xin hỏi: 1. Bản di chúc đó có hợp pháp không ? 2. Em gái tôi có được chia mảnh đất đó không ? 3. Nếu không được chia, em gái tôi có được thỏa thuận để chia cho con chung của 2 vợ chồng hiện ở với em gái tôi hay không ?
Đáp:
1. Tính hợp pháp của di chúc
Liên quan đến tính hợp pháp của di chúc, Điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định như sau: “Điều 652. Di chúc hợp pháp:
1. Di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép;
b) Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật”.
Như vậy, theo quy định nói trên, di chúc hợp pháp phải thỏa mãn 02 điều kiện: (1) người lập di chúc có là khả năng nhận thức; (2) nội dung và hình thức của di chúc phải hợp pháp, có nghĩa là khi lập di chúc, người lập di chúc không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép hoặc ở trong trạng thái tinh thần không minh mẫn, sáng suốt hoặc nội dung của di chúc không trái với pháp luật và đạo đức xã hội hoặc di chúc không được lập theo các hình thức trái quy định của pháp luật.
Ngoài ra, liên quan đến quyền của người lập di chúc, Điều 648 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định người lập di chúc có toàn quyền chỉ định người thừa kế hoặc phần định phần di sản cho từng người thừa kế, cụ thể là:
“Điều 648.Quyền của người lập di chúc Người lập di chúc có các quyền sau đây:
1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế;
2. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế”.
Do vậy, nhà chồng em gái bạn hoàn toàn có quyền không cho em gái của bạn hưởng di sản thừa kế khi ly hôn. Việc di chúc có nội dung như vậy là phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam. Về nguyên tắc, bản di chúc có nội dung như trên, nếu thỏa mãn điều kiện về khả năng nhận thức của người lập di chúc và điều kiện về hình thức theo quy định của pháp luật được coi là hợp pháp. Theo đó, em gái bạn sẽ không được hưởng di sản thừa kế của nhà chồng khi ly hôn.
2. Thỏa thuận chia tài sản cho con chung khi ly hôn
Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, khi ly hôn, vợ và chồng có quyền thỏa thuận về vấn đề phân chia tài sản, nếu như các bên không thỏa thuận được thì việc chia tài sản căn cứ vào việc xác định đó là tài sản chung hay hay tài sản riêng vợ chồng, cụ thể như sau:
“Điều 95. Nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn
1. Việc chia tài sản khi ly hôn do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Tài sản riêng của bên nào thì thuộc quyền sở hữu của bên đó.
2. Việc chia tài sản chung được giải quyết theo các nguyên tắc sau đây:
a) Tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi, nhưng có xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
b) Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật hoặc theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần giá trị chênh lệch.
3. Việc thanh toán nghĩa vụ chung về tài sản của vợ, chồng do vợ, chồng thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết”.
Như vậy, để phân chia tài sản khi ly hôn phải xác định được tài sản chung và tài sản riêng của vợ, chồng. Theo đó, khoản 1 Điều 27 và Điều 32 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định cụ thể như sau:
“Điều 27. Tài sản chung của vợ chồng
1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng.
Quyền sử dụng đất mà vợ hoặc chồng có được trước khi kết hôn, được thừa kế riêng chỉ là tài sản chung khi vợ chồng có thỏa thuận.
Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất”.
Điều 32. Tài sản riêng của vợ, chồng
1. Vợ, chồng có quyền có tài sản riêng.
Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 29 và Điều 30 của Luật này; đồ dùng, tư trang cá nhân.
2. Vợ, chồng có quyền nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung”.
Như bạn trình bày, theo di chúc, mảnh đất 50m2 được nhà chồng em gái bạn chia riêng cho người chồng, do đó về nguyên tắc đây được coi là tài sản riêng của người chồng. Mọi sự thỏa thuận liên quan đến mảnh đất này đều phải có sự đồng ý của người chồng, nên việc có chia tài sản này cho con chung của 02 vợ chồng hay không là do người chồng quyết định.
Nguồn: moj.gov.vn
Tòa nhà HSLAWS, Số 183 Trường Chinh, Khương Mai, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại: 043 724 6666; Di động: 090 574 6666
TIN TỨC LIÊN QUAN