Trường hợp phạm tội rửa tiền thuộc quy định tại khoản 2 Điều 251 Bộ luật hình sự

Ngày đăng: 16/11/2020
Cũng như trường hợp phạm tội có tổ chức khác, phạm tội rửa tiền có tổ chức là trường hợp có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm, trong đó có người tổ chức ...
Câu hỏi: Pháp luật quy định tội rửa tiền thuộc khoản 2 Điều 251 như thế nào ?
 
Trả lời:
 
a) Có tổ chức
 
Cũng như trường hợp phạm tội có tổ chức khác, phạm tội rửa tiền có tổ chức là trường hợp có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm, trong đó có người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.
 
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn
 
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để rửa tiền là do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện việc hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có và hành vi đó có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của họ, nếu họ không có chức vụ, quyền hạn đó thì họ khó có thể thực hiện việc hợp pháp hóa tiền, tài sản do mình đã phạm tội mà có; chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện hợp pháp hóa tiền, tài sản một cách dễ dàng. Nếu việc hợp pháp hóa tiền, tài sản không liên quan gì đến chức vụ, quyền hạn của người phạm tội thì cũng không bị coi là lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội.
 
c) Phạm tội nhiều lần
 
Phạm tội rửa tiền nhiều lần là từ hai lần trở lên hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có.
 
Khi xác định trường hợp phạm tội rửa tiền nhiều lần cần chú ý:
 
Nhiều lần thực hiện hành vi hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có, nhưng hành vi đó đã cấu thành tội phạm.
 
Nếu hành vi rửa tiền đã bị xử lý không kể bị xử lý bằng hình thức gì: đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án thì không tính lần phạm tội đó và lần phạm tội sau để coi bị cáo phạm tội nhiều lần.
 
Trường hợp hành vi rửa tiền đã được Viện kiểm sát miễn tố hoặc không truy tố cùng với hành vi phạm tội bị đưa ra xét xử, hoặc tách thành một vụ án khác thì cũng không bị coi là phạm tội nhiều lần.
 
d) Có tính chất chuyên nghiệp
 
Rửa tiền có tính chất chuyên nghiệp, cũng như trường hợp phạm tội có tính chất chuyên nghiệp khác là trường hợp người phạm tội lấy việc rửa tiền là nguồn sống chính cho mình.
 
đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt
 
Dùng thủ đoạn xảo quyệt để rửa tiền là người phạm tội có những mánh khóe, cách thức gian dối, thâm hiểm làm cho người khác khó lường thấy được để đề phòng như: dùng tiền, tài sản do phạm tội mà có đầu tư vào các công trình phúc lợi xã hội hoặc tài trợ, ủng hộ đồng bào bị thiên tai để được vinh danh, làm cho mọi người mất cảnh giác, rồi sau đó người phạm tội thực hiện hành vi rửa tiền với quy mô lớn. Dùng thủ đoạn xảo quyệt để rửa tiền cũng như trong các lĩnh vực khác được coi là một việc làm hèn hạ, thể hiện sự nham hiểm của người sử dụng thủ đoạn đó.
 
e) Tiền, tài sản phạm tội có giá trị lớn
 
Trước hết cần hiểu rằng tiền, tài sản phạm tội ở đây không phải là tiền hoặc tài sản do phạm tội mà có, mà đó là tiền, tài sản mà người phạm tội hợp pháp hóa (tiền hoặc tài sản được rửa).
 
Nhà làm luật chỉ quy định tiền, tài sản phạm tội giá trị lớn còn bao nhiêu là lớn thì chắc chắn phải do các cơ quan tiến hành tố tụng hướng dẫn. Hiện nay, chưa có hướng dẫn thế nào là tiền, tài sản phạm tội có giá trị lớn đối với tội rửa tiền. Tuy nhiên, căn cứ vào hướng dẫn đối với các tội phạm khác tương tự, có thể coi tiền, tài sản phạm tội có giá trị lớn nếu tiền hoặc tài sản phạm tội có giá trị lớn nếu tiền hoặc tài sản đem rửa có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng.
 
g) Thu lợi bất chính lớn
 
Tương tự như trường hợp tiền, tài sản phạm tội có giá trị lớn quy định tại điểm e khoản 2 của điều luật. Do đó trong khi chưa có hướng dẫn chính thức, có thể được coi là thu lợi bất chính lớn nếu người phạm tội thu lợi từ hành vi rửa tiền từ 20 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng.
 
Tình tiết này chủ yếu áp dụng đối với người phạm tội không có tiền hoặc tài sản do phạm tội mà có, mà chỉ giúp người có tiền hoặc tài sản do phạm tội mà có, mà chỉ giúp người có tiền hoặc tài sản do phạm tội mà có để được hưởng lợi.
 
h) Gây hậu quả nghiêm trọng
 
Hậu quả nghiêm trọng do hành vi rửa tiền gây ra là những thiệt hại về vật chất và phi vật chất cho xã hội. Các thiệt hại về vật chất bao gồm thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tiền, tài sản,... còn các thiệt hại phi vật chất bao gồm: nhân phẩm, danh dự của con người; uy tín của tổ chức, cá nhân; trật tự, an toàn xã hội...
 
Việc xác định thiệt hại do hành vi rửa tiền gây ra tới mức nào là nghiêm trọng cũng là vấn đề không đơn giản. Không phải đối với tội phạm này, mà đối với các tội phạm khác có quy định tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng” cũng vậy, thường không được Tòa án áp dụng, nếu có áp dụng thì cũng chỉ đối với một số trường hợp thật rõ, không có ý kiến khác nhau.
 
Tuy nhiên, trong khi chưa có hướng dẫn chính thức về trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi rửa tiền gây nên, có thể vận dụng các hướng dẫn của các cơ quan tiến hành tố tụng đối với các tội phạm khác: Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV “Các tội xâm phạm sở hữu” của Bộ luật hình sự năm 1999, trong đó có nội dung “gây hậu quả nghiêm trọng”.
 
Theo Thông tư liên tịch trên, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây là gây hậu quả nghiêm trọng:
 
- Làm chết một người;
 
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;
 
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;
 
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 61% đến 100%;
 
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng;
 
- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
 
Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể vận còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội...Trong các trường hợp này phải tùy vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
 
Tuy nhiên, đối với tội rửa tiền gây hậu quả nghiêm trọng còn có những đặc điểm riêng, nên việc xác định hậu quả nghiêm trọng của hành vi rửa tiền còn phải căn cứ vào các thiệt hại, những ảnh hưởng của hành vi rửa tiền liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến an ninh kinh tế, tình hình đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
 
i) Tái phạm nguy hiểm
 
Thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm là trường hợp người phạm tội đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 251 hoặc đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội rửa tiền không phân biệt khoản nào của điều luật.
 
Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật thì người phạm tội bị phạt tù từ ba năm đến mười năm, là tội phạm rất nghiêm trọng
 
. Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu chỉ thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng hình phạt dưới ba năm tù nhưng không được dưới một năm tù; nếu thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật và có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến mười năm tù.
 
 
Tòa nhà HSLAWS, Số 183 Trường Chinh, Khương Mai, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại: 043 724 6666; Di động: 090  574 6666

Danh mục chính

Tin tức nổi bật

Thống kê truy cập

Đang xem: 10 lượt

Tổng số đã xem: 1429510 lượt

090 574 6666