Trường hợp phạm tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc quy định tại khoản 2 Điều 249 và hình phạt bổ sung
Ngày đăng: 16/11/2020
Tương tự như tội đánh bạc, phạm tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc có tính chất chuyên nghiệp là người phạm tội lấy việc tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc là nguồn sống chính cho mình ...
Câu hỏi: Pháp luật quy định hình phạt đối với trường hợp phạm tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc thuộc khoản 2 Điều 249 và hình phạt bổ sung đối với tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc như thế nào ?
Trả lời:
1. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 249
a) Có tính chất chuyên nghiệp
Tương tự như tội đánh bạc, phạm tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc có tính chất chuyên nghiệp là người phạm tội lấy việc tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc là nguồn sống chính cho mình.
b) Thu lợi bất chính lớn, rất lớn hoặc đặc biệt lớn
Theo hướng dẫn tại Điều 2 Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22-10-2010 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì:
Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng là thu lợi bất chính lớn.
Thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 90.000.000 đồng là thu lợi bất chính rất lớn.
Thu lợi bất chính từ 90.000.000 đồng trở lên là thu lợi bất chính đặc biệt lớn.
c) Tái phạm nguy hiểm
Tương tự như trường hợp tái phạm nguy hiểm đối với người phạm tội đánh bạc, người phạm tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm là người đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 249 Bộ luật hình sự hoặc đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc.
Như vậy, nếu một người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật và thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm thì họ phải bị áp dụng tình tiết “tái phạm nguy hiểm” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 249. Ví dụ: Trần Thị Tuyết Nh đã bị kết án về tội mua bán chất ma túy thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 194 Bộ luật hình sự, chưa được xóa án tích lại phạm tội tổ chức đánh bạc thuộc trường hợp thu lợi bất chính 20 triệu đồng, nên Trần Thị Tuyết Nh bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các điểm b và c khoản 2 Điều 249 Bộ luật hình sự.
Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật thì người phạm tội bị phạt tù từ ba năm đến mười năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.
Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu chỉ thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật; nếu thu lợi bất chính chỉ thuộc trường hợp lớn và có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng hình phạt dưới ba năm tù hoặc được chuyển sang hình phạt tiền; nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật, thu lợi bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn, có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến mười năm tù.
2. Hình phạt bổ sung
Ngoài hình phạt chính, người phạm tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Khi áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung đối với người phạm tội này cần chú ý: chỉ áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung nếu không áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính. Việc áp dụng hình phạt tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản chỉ nên áp dụng đối với trường hợp người phạm tội thu lợi bất chính đặc biệt lớn, là người tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc chuyên nghiệp.
Tòa nhà HSLAWS, Số 183 Trường Chinh, Khương Mai, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại: 043 724 6666; Di động: 090 574 6666
TIN TỨC LIÊN QUAN