Những dấu hiệu tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có
Ngày đăng: 16/11/2020
Chủ thể của tội phạm này cũng không phải chủ thể đặc biệt, chỉ cần đến một độ tuổi nhất định và có năng lực trách nhiệm hình sự đều có thể là chủ thể của tội phạm này. Người đủ 14 tuổi ...
Câu hỏi: Những dấu hiệu cơ bản của tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có ?
Trả lời:
1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm này cũng không phải chủ thể đặc biệt, chỉ cần đến một độ tuổi nhất định và có năng lực trách nhiệm hình sự đều có thể là chủ thể của tội phạm này. Người đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 của điều luật; người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này không phân biệt thuộc trường hợp quy định tại khoản nào của điều luật.
2. Các dấu hiệu thuộc mặt khách thể của tội phạm
Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có là tội xâm phạm đến trật tự quản lý nhà nước đối với tài sản do phạm tội mà có. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, tội phạm này lại chủ yếu xâm phạm đến hoạt động điều tra, thu hồi tài sản có nguồn gốc do phạm tội mà có; nhiều trường hợp hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có đã gây ảnh hưởng đến việc điều tra phát hiện tội phạm, có trường hợp làm cho việc điều tra phát hiện bị bế tắc phải tạm đình chỉ hoặc đình chỉ điều tra vì không thu hồi được tài sản do phạm tội mà có. Vì vậy, theo ý kiến này thì nhà làm luật nên quy định tội phạm này ở chương XXII (các tội xâm phạm hoạt động tư pháp) sẽ phù hợp.
3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm
a) Hành vi khách quan
Tội phạm này quy định hai hành vi phạm tội khác nhau nhưng lại có liên quan với nhau, đó là hành vi chứa chấp và hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Vì vậy, khi xác định tội danh (định tội) cần chú ý: nếu người phạm tội chỉ thực hiện hành vi chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có hoặc chỉ thực hiện hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thì chỉ định tội “chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có” hoặc tội “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” chứ không định tội như điều luật quy định “chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có”. Nếu người phạm tội thực hiện cả hai hành vi chứa chấp và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thì định tội là “chứa chấp và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.
Chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có là trường hợp biết rõ đó là tài sản do người khác phạm tội mà có nhưng vẫn cất giữ, bảo quản; việc cất giữ, bảo quản có thể ở bất cứ địa điểm nào; có trường hợp chỉ cất giữ trong túi áo, túi quần hoặc trong người. Nếu tài sản do người khác phạm tội mà có lại là đối tượng phạm tội của tội phạm khác thì người có hành vi chứa chấp tài sản đó bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng mà Bộ luật hình sự quy định đối với hành vi tàng trữ các loại tài sản đó.
Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có là biết rõ đó là tài sản do người khác phạm tội mà có nhưng vẫn nhận hoặc mua để dùng, nhận để bán lại hoặc giới thiệu người khác mua, chuyển tài sản đó cho người khác theo yêu cầu của người phạm tội...Cũng như đối với trường hợp chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có, nếu người phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và tài sản đó là đối tượng của tội phạm khác thì người có hành vi tiêu thụ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng theo quy định của Bộ luật hình sự.
Dù là chứa chấp hay tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thì người chứa chấp hoặc tiêu thụ chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm này nếu họ không hứa hẹn trước. Nếu người có hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ có hứa hẹn trước với người phạm tội thì họ phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm mà người phạm tội thực hiện để có tài sản mà họ chứa chấp hoặc tiêu thụ.
Việc xác định hành vi có hứa hẹn trước hay không hứa hẹn trước của người chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có trong một số trường hợp rất khó. Trước năm 1989, người chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có tuy không hứa hẹn trước, nhưng cứ chứa chấp hoặc tiêu thụ nhiều lần của một người phạm tội thì bị coi là đồng phạm với người phạm tội. Tuy nhiên, qua thực tiễn xét xử việc xác định đồng phạm trong trường hợp này rõ ràng là không đúng nên Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn: dù người có hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có bao nhiêu lần, nhưng không có hứa hẹn trước thì cũng không coi là đồng phạm với người khác do phạm tội mà có tài sản đó.
Như vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh người có hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có phải là người không hứa hẹn trước với người khác do phạm tội mà có tài sản đó. Nếu có căn cứ xác minh người có hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có lại là người đã hứa hẹn trước với người khác do phạm tội mà có tài sản đó thì người có hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản đó là đồng phạm với người do phạm tội mà có tài sản đó (người khác phạm tội gì thì người chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản phạm tội đó).
b) Hậu quả
Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có không quy định hậu quả do hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có gây ra là yếu tố định tội hoặc khung hình phạt. Tuy nhiên, nếu hậu quả do hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có gây ra cấu thành tội phạm độc lập thì người phạm tội còn bị truy cứu về các tội phạm tương ứng.
c) Các dấu hiệu khách quan khác
Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có không quy định thêm các dấu hiệu khách quan khác là yếu tố cấu thành tội phạm hoặc là yếu tố định khung hình phạt. Tuy nhiên, khi xác định hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ trong một số trường hợp cần chú ý: nếu người khác tuy có hành vi phạm tội nhưng hành vi đó chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì người có hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có cũng chưa cấu thành tội phạm.
4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm
Người phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thực hiện hành vi của mình là do cố ý, tức là biết rõ tài sản mà mình chứa chấp hoặc tiêu thụ là tài sản do người khác phạm tội mà có. Nếu vì một lý do nào đó mà họ không biết thì hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản đó không bị coi là hành vi phạm tội.
Việc xác định người chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản có biết rõ là do người khác phạm tội mà có hay không là một vấn đề khó, vì họ không bao giờ tự nhận là mình biết rõ tài sản mà họ chứa chấp hoặc tiêu thụ là tài sản do người khác phạm tội mà có và thường khai rằng, nếu biết đó là của gian thì không bao giờ cất giữ hoặc tiêu thụ cả. Vì vậy, để xác định người có hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản có biết rõ là do người khác phạm tội mà có hay không phải căn cứ vào các tình tiết khách quan mà đặc biệt là nhân thân và mối quan hệ giữa họ với người có tài sản do phạm tội mà có. Thông thường để xác định người chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản có biết rõ là tài sản đó do người khác phạm tội mà có phải căn cứ vào việc giao dịch giữa người chứa chấp hoặc tiêu thụ với người có tài sản.
Điều luật quy định “biết rõ là do người khác phạm tội mà có” nhưng không vì thế mà cho rằng, người chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản phải biết người phạm tội là ai và họ phạm tội gì, mà chỉ cần biết rõ tài sản mà mình chứa chấp hoặc tiêu thụ là tài sản do người khác phạm tội mà có. Nhà làm luật quy định “do người khác phạm tội” mà không quy định “do phạm tội” là bảo đảm tính chuẩn xác, vì nếu chỉ nói do phạm tội là chưa đủ vì hành vi phạm tội có thể do một tổ chức, cơ quan thực hiện, nhưng theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam thì không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cơ quan, tổ chức. Vì vậy, nếu người chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản không do người khác phạm tội mà có thì cũng không bị coi là hành vi phạm tội.
Tòa nhà HSLAWS, Số 183 Trường Chinh, Khương Mai, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại: 043 724 6666; Di động: 090 574 6666
Điện thoại: 043 724 6666; Di động: 090 574 6666
TIN TỨC LIÊN QUAN