Các quyền của tác giả

Ngày đăng: 03/10/2020
Tác giả có quyền tinh thần và quyền kinh tế đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra. Theo pháp luật Việt Nam là quyền nhân thân và quyền tài sản.
- Quyền nhân thân bao gồm:
+ Quyền đứng tên tác giả trên bản gốc và bản sao tác phẩm. Tác giả có quyền lựa chọn việc đứng tên thật, bút danh hoặc có thể chủ động không đứng tên, để tác phẩm của mình ở “tình trạng khuyết danh”. Quyền này của tác giả là quyền yêu cầu được ghi tên tác giả trên bản gốc, bản sao tác phẩm, quyền được nêu tên khi biểu diễn, phát sóng tác phẩm.
+ Quyền đặt tên tác phẩm là quyền quan trọng của tác giả để “khai sinh” cho tác phẩm của mình.
+ Quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm là quyền ngăn cấm hoặc cho phép người khác khai thác, sửa chữa tác phẩm của mình. Quyền này còn ngăn chặn người khác xuyên tạc, xâm phạm tới uy tín, danh dự của mình. Người biên tập có thể thực hiện việc sửa chữa tác phẩm, do sự thay đổi các chuẩn mực xã hội, ngôn từ và chính tả, nhưng phải được sự đồng ý của tác giả.
+ Quyền công bố hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm của mình. Việc công bố hay chưa công bố tác phẩm tùy thuộc vào quyết định của tác giả.
+ Trong các quyền trên, quyền đứng tên, quyền đặt tên và quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm là quyền được pháp luật quốc gia và quốc tế bảo hộ vô thời hạn và không được chuyển giao. Quyền công bố tác phẩm là quyền có thể để lại thừa kế, chuyển giao cho tổ chức, cá nhân khác.
 
- Quyền tài sản: là các quyền độc quyền do chủ sở hữu thực hiện hoặc cho phép người khác khai thác, sử dụng hoặc chuyển giao, bao gồm:
 
- Quyền làm tác phẩm phái sinh:
Làm tác phẩm phái sinh là quyền do tác giả tự thực hiện hoặc cho phép người khác sử dụng tác phẩm của mình để sáng tạo ra tác phẩm mới. Tác phẩm mới này được gọi là tác phẩm phái sinh, như tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm chuyển thể, cải biên, phóng tác, phiên âm, chú giải.
 
Người làm tác phẩm phái sinh chỉ có quyền tác giả khi không gây phương hại tới quyền tác giả của tác phẩm được sử dụng để sáng tạo ra tác phẩm phái sinh. Điều này có nghĩa, phải có sự thỏa thuận trước khi sử dụng để sáng tạo tác phẩm phái sinh.
 
Cải biên là việc sáng tạo ra tác phẩm mới, từ tác phẩm đã có bằng việc tạo thêm những yếu tố ngôn từ sáng tạo mới. Phóng tác có nghĩa là việc thay đổi hình thức thể hiện của tác phẩm, chẳng hạn như chuyển đổi tác phẩm nhiếp ảnh thành tác phẩm hội họa, hoặc tác phẩm điêu khắc. Chuyển thể là việc thay đổi hình thức thể hiện của tác phẩm đã có nhưng vẫn giữ nội dung tác phẩm được sử dụng để thực hiện việc chuyển thể. Chẳng hạn như chuyển thể tác phẩm văn học thành tác phẩm điện ảnh.
 
- Quyền sao chép tác phẩm:
Quyền sao chép là một trong các quyền quan trọng của tác giả. Việc xuất bản một tác phẩm là một hình thức sao chép tác phẩm, nó là hình thức sao chép cổ điển nhất.
 
Việc ghi âm, ghi hình bài giảng, bài phát biểu, bài thuyết trình, việc vẽ lại tranh là hình thức sao chép thuộc quyền sao chép tác phẩm.
 
Việc sao chép một phần hay toàn bộ tác phẩm phải được sự đồng ý của tác giả, không phân biệt hình thức, phương tiện được sử dụng để sao chép, kể cả sao chép điện tử.
 
- Quyền biểu diễn:
Quyền biểu diễn tác phẩm theo luật nhiều quốc gia là quyền biểu diễn trước công chúng ở bất kì địa điểm và thời gian nào với số lượng quần chúng đủ lớn, ngoại trừ phạm vi gia đình, như biểu diễn nhạc kịch tại nhà hát, đọc truyện, ngâm thơ trên đài phát thanh, truyền hình. Nó còn bao gồm cuộc biểu diễn gián tiếp thông qua các bản ghi âm, ghi hình được phát qua các thiết bị tương thích ở các địa điểm kinh doanh, thương mại như trên máy bay, sàn nhảy, siêu thị, khách sạn, nhà hàng, dịch vụ karaoke v.v...
 
- Quyền phân phối, nhập khẩu bản gốc bản sao tác phẩm:
Quyền phân phối bản gốc, bản sao tác phẩm do chủ sở hữu thực hiện hoặc cho người khác thực hiện bằng việc sử dụng bất kì hình thức, phương tiện kĩ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được để bán, cho thuê hoặc các hình thức chuyển nhượng khác. Đối với tác phẩm tạo hình, tác phẩm nhiếp ảnh thì quyền phân phối còn bao gồm cả việc trưng bày, triển lãm trước công chúng.
 
- Quyền truyền đạt tác phẩm:
Là quyền đưa tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kì phương tiện kĩ thuật nào để công chúng có thể tiếp cận được tại bất kì địa điểm và thời gian nào do họ lựa chọn.
 
- Quyền cho thuê tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính:
Quyền cho thuê tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính là quyền độc quyền của chủ sở hữu. Nó là việc cho thuê để sử dụng có thời hạn, do chủ sở hữu quyền tác giả và bên sử dụng thỏa thuận theo hợp đồng.
 
Các quyền tài sản và quyền nhân thân của tác giả nêu trên tự động phát sinh ngay sau khi tác phẩm được hình thành dưới dạng vật chất nhất định. Các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm phải thực hiện nghĩa vụ pháp lí với tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Chủ sở hữu quyền tác giả được hưởng tiền nhuận bút, thù lao và lợi ích vật chất khác từ việc cho phép tổ chức, cá nhân khác khai thác, sử dụng tác phẩm.
 
 
Tòa nhà HSLAWS, Số 183 Trường Chinh, Khương Mai, Thanh Xuân, Hà Nội. 
Điện thoại VP: 024 3724 6666 ; Di động: 090 574 6666 

Danh mục chính

Tin tức nổi bật

Thống kê truy cập

Đang xem: 11 lượt

Tổng số đã xem: 1426630 lượt

090 574 6666