Trình tự, thủ tục cho cá nhân, tổ chức nước ngoài mua và sở hữu nhà ở Việt Nam

Ngày đăng: 17/10/2020
Việc cá nhân, tổ chức mua và sở hữu nhà ở Việt Nam được quy định trong Nghị định 51/2009/NĐ-CP. Theo đó, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp, cũng như hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất đối với người nước ngoài được quy định như sau :
1/ Trình tự, thủ tục và thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở :
 
1. Người đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở nộp một bộ hồ sơ hợp lệ tại Sở Xây dựng nơi có căn hộ. Người tiếp nhận hồ sơ phải tiếp nhận và lập phiếu tiếp nhận hồ sơ, trong đó ghi rõ ngày, giờ, địa điểm trả kết quả; trong trường hợp hồ sơ chưa đủ giấy tờ thì người tiếp nhận hồ sơ phải hướng dẫn cụ thể ngay để người nộp hồ sơ bổ sung giấy tờ. Nếu hồ sơ không đủ điều kiện thì Sở Xây dựng trả lại hồ sơ và thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ biết rõ lý do.
 
2. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Sở Xây dựng thể hiện các nội dung trên Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật nhà ở và trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) ký Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.
 
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được sử dụng mẫu Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở ban hành kèm theo Nghị định số 90/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 9 năm 2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở (sau đây gọi chung là Nghị định số 90/2006/NĐ-CP) để cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở theo quy định tại Nghị định 51.
 
3. Sau khi ký Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chuyển lại cho Sở Xây dựng để giao cho chủ sở hữu. Người đến nhận giấy chứng nhận phải xuất trình phiếu tiếp nhận hồ sơ, nộp lệ phí cấp giấy chứng nhận và ký nhận vào Sổ đăng ký quyền sở hữu nhà ở. Nếu ủy quyền cho người khác đi nhận thay thì phải có văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật Việt Nam. Lệ phí cấp giấy chứng nhận được áp dụng như công dân Việt Nam ở trong nước.
 
4. Đối với cá nhân nước ngoài, trong thời hạn hai ngày làm việc, kể từ ngày nhận được giấy chứng nhận từ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Xây dựng phải có văn bản gửi Bộ Xây dựng thông báo các thông tin về họ tên, số hộ chiếu, nơi cấp, ngày cấp, quốc tịch của người mua nhà, địa chỉ căn hộ mua bán, số giấy chứng nhận và ngày cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở để Bộ Xây dựng đưa lên trang Web của Bộ (mẫu văn bản thông báo của Sở Xây dựng để quản lý việc mua một căn hộ quy định tại Phụ lục III và IV ban hành kèm theo Nghị định này).
 
Những trường hợp đang có sở hữu một nhà ở tại Việt Nam theo thông báo trên trang Web của Bộ Xây dựng thì không được sở hữu các nhà ở khác trong phạm vi toàn quốc.
 
5. Thời hạn cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở quy định tại Điều này tối đa là 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, thời hạn này không tính thời gian bổ sung giấy tờ (nếu có).
 
6. Trường hợp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở đã được cấp bị hư hỏng, rách nát hoặc bị mất thì chủ sở hữu được cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận. Sở Xây dựng thực hiện cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở theo thủ tục quy định tại Điều 47 của Nghị định số 90/2006/NĐ-CP.
 
2/Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở:
 
1. Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở bằng tiếng Việt và tiếng Anh (theo mẫu hướng dẫn );
 
2. Bản chính hợp đồng mua bán, tặng cho nhà ở hoặc giấy tờ về thừa kế nhà ở theo quy định của pháp luật Việt Nam. Trường hợp mua căn hộ của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thì hợp đồng mua bán không phải có chứng nhận của công chứng. Nếu mua, nhận tặng cho căn hộ của cá nhân thì hợp đồng phải có chứng nhận của công chứng theo quy định của pháp luật về nhà ở;
 
3. Bản sao có chứng thực hộ chiếu nước ngoài và một trong các giấy tờ quy định tại các điểm a, b, c, đ, e và g khoản 1, khoản 2 Điều 5, Điều 6, điểm a, điểm b khoản 1 Điều 7 của Nghị định 51; trường hợp bản sao hộ chiếu không có chứng thực thì khi nộp hồ sơ phải mang bản gốc để đối chiếu. Đối với văn bằng chứng minh trình độ, giấy tờ chứng nhận kết hôn do nước ngoài cấp thì phải được dịch ra tiếng Việt và có chứng nhận của cơ quan công chứng Việt Nam.
 
Đối với các trường hợp còn lại thì trong hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở phải có bản gốc các giấy tờ liên quan theo quy định tại Điều 5 và Điều 7 của Nghị định 51.
 
4. Trường hợp mua căn hộ của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thì phải làm thủ tục mua bán qua sàn giao dịch bất động sản và có bản gốc giấy tờ xác nhận đã mua bán căn hộ qua sàn giao dịch theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.
 
5. Biên lai nộp thuế, lệ phí trước bạ theo quy định của pháp luật. Mức thuế và lệ phí trước bạ được áp dụng như công dân Việt Nam ở trong nước.

Danh mục chính

Tin tức nổi bật

Thống kê truy cập

Đang xem: 12 lượt

Tổng số đã xem: 1439720 lượt

090 574 6666