Quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản

Ngày đăng: 17/11/2020
Điều 42 Luật Phá sản 2014 quy định về quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản như sau:
Điều 42. Quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản
 
1. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Thẩm phán phải ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản, trừ trường hợp quy định tại Điều 105 của Luật này.
 
2. Thẩm phán ra quyết định mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.
 
3. Trường hợp cần thiết, trước khi ra quyết định mở thủ tục phá sản, Thẩm phán có thể triệu tập phiên họp với sự tham gia của người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, chủ doanh nghiệp hoặc đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã bị yêu cầu mở thủ tục phá sản, cá nhân, tổ chức có liên quan để xem xét, kiểm tra các căn cứ chứng minh doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.
 
4. Quyết định mở thủ tục phá sản phải có các nội dung chủ yếu sau:
 
a) Ngày, tháng, năm;
 
b) Tên của Tòa án nhân dân; họ và tên Thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản;
 
c) Ngày và số thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; tên, địa chỉ của người làm đơn yêu cầu;
 
d) Tên, địa chỉ của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán;
 
đ) Thời gian, địa điểm khai báo của các chủ nợ và hậu quả pháp lý của việc không khai báo.
 
5. Tòa án nhân dân ra quyết định không mở thủ tục phá sản nếu xét thấy doanh nghiệp, hợp tác xã không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. Trong trường hợp này, người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được trả lại tiền tạm ứng chi phí phá sản; yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán thực hiện nghĩa vụ về tài sản đã bị tạm đình chỉ theo quy định tại Điều 41 của Luật này được tiếp tục giải quyết.
 
6. Quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản có hiệu lực thi hành kể từ ngày ra quyết định.

Danh mục chính

Tin tức nổi bật

Thống kê truy cập

Đang xem: 44 lượt

Tổng số đã xem: 1426495 lượt

090 574 6666