Những điểm mới của Luật đất đai số 45/2013/QH13

Ngày đăng: 16/11/2020
Luật đất đai số 45/2013/QH13 được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 29 -11- 2013. Luật đất đai năm 2013 có 14 chương với 212 điều, tăng 7 chương với 66 điều so với Luật đất đai năm 2003.
Nhìn lại toàn bộ Luật Đất đai 2013, có thể thấy một số đổi mới quan trọng bao gồm:
 
1. Điều 4 Luật đất đai năm 2013 khẳng định lại: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này. Điều này phù hợp với quá trình chuyển đổi kinh tế của đất nước ta. Luật đất đai năm 2013 quy định cụ thể các quyền, nghĩa vụ của Nhà nước đối với người sử dụng đất như: Bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất; trách nhiệm của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người trực tiếp sản xuất nông nghiệp; trách nhiệm của Nhà nước trong việc cung cấp thông tin đất đai cho người dân.
 
2. Quy định rõ nguyên tắc định giá đất phải theo mục đích sử dụng đất hợp pháp tại thời điểm định giá, theo thời hạn sử dụng đất. Bỏ việc công bố bảng giá đất vào ngày 1/1 hàng năm. Bảng giá đất chỉ áp dụng đối với một số trường hợp thay cho việc áp dụng cho tất cả các mục đích như quy định hiện hành. Bổ sung quy định về cơ quan xây dựng, cơ quan thẩm định giá đất, vị trí của tư vấn giá đất trong việc xác định giá đất, thẩm định giá đất và việc thuê tư vấn để xác định giá đất cụ thể.
 
3. Quy định cụ thể từ nguyên tắc đến nội dung và mở rộng dân chủ, công khai trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, theo đó, người sử dụng đất có quyền tham gia đóng góp ý kiến của mình từ khi lập quy hoạch, đồng thời, quy định bảo đảm quyền lợi của người sử dụng đất trong vùng quy hoạch.
 
4. Quy định, rõ các đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và điều kiện để triển khai thực hiện các dự án đầu tư để Nhà nước giao đất, cho thuê đất. Qua đó khắc phục một cách có hiệu quả việc giao đất, cho thuê đất một cách tràn lan mà không tính đến năng lực của các chủ đầu tư trong việc triển khai các dự án gây nên tình trạng sử dụng đất lãng phí, kém hiệu quả như trong thời gian vừa qua.
 
5. Quy định cụ thể những trường hợp Nhà nước cần thu hồi đất, nhằm khắc phục, loại bỏ những trường hợp thu hồi đất mà không đưa vào sử dụng, gây lãng phí, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người sử dụng đất, tạo nên các dư luận xấu trong xã hội.
 
6. Quy định cụ thể và đầy đủ từ việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư bảo đảm một cách công khai, minh bạch đến quyền lợi của người có đất bị thu hồi; điều tiết một cách hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.
 
7. Quy định vấn đề về tài chính đất đai theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; về giá đất, khung giá đất do Chính phủ ban hành, định kỳ 05 năm một lần đối với từng loại đất, theo từng vùng. Trong thời gian thực hiện khung giá đất mà giá đất phổ biến trên thị trường tăng từ 20% trở lên so với giá tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với khung giá đất thì Chính phủ điều chỉnh khung giá cho phù hợp. Căn cứ vào khung giá đất do Chính phủ ban hành, UBND cấp tỉnh ban hành bảng giá đất định kỳ 05 năm một lần và công bố công khai vào ngày 01-01 của năm đầu kỳ.
 
8. Bồi thường và hỗ trợ về đất khi Nhà nước thu hồi đất, đặc biệt là đất ở.
 
9. Bảo đảm quyền và lợi ích của những người sử dụng đất hợp pháp được cấp giấy chứng nhận và bảo đảm thực hiện các quyền của người sử dụng đất.
 
10. Nâng thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp lên 50 năm; mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân đáp ứng yêu cầu tích tụ đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại phù hợp với cơ chế thị trường.
 
11. Bổ sung các quy định về hệ thống thông tin, hệ thống giám sát, theo dõi, đánh giá một cách công khai, minh bạch và bảo đảm dân chủ trong điều kiện đất đai thuộc sở hữu toàn dân.

Danh mục chính

Tin tức nổi bật

Thống kê truy cập

Đang xem: 12 lượt

Tổng số đã xem: 1422609 lượt

090 574 6666