Những điểm mới của Luật bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13

Ngày đăng: 16/10/2020
Luật bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016, gồm 09 Chương, 125 Điều so với Luật bảo hiểm xã hội số 71/2006/QH11 thì Luật bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 có một số điểm mới đáng chú ý như sau.
1. Về đối tượng tham gia
 
Luật mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, gồm:
 
- Người lao động có hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
 
- Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ;
 
- Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
 
Còn đối với BHXH tự nguyện, để khuyến khích người dân tham gia Luật không hạn trần tuổi tham gia như trước đây và bỏ quy định mức thu nhập đóng BHXH tự nguyện thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung (nay là mức lương cơ sở); đồng thời căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ để quy định mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ và thời điểm thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện. Mặt khác, Luật còn quy định người tham gia có thể lựa chọn phương thức đóng BHXH tự nguyện một cách linh hoạt, ngoài các phương thức đã quy định lần này cho phép có thể đóng một lần cho nhiều năm về sau hoặc một lần cho những năm còn thiếu để hưởng chế độ BHXH tự nguyện.
 
2. Về quyền của người lao động
 
Thay đổi cơ bản và lớn nhất là quy định người lao động được quản lý sổ BHXH của mình trong thời gian đóng BHXH để theo dõi quá trình đóng - hưởng BHXH, được người sử dụng lao động định kỳ (06 tháng) cung cấp thông tin về việc đóng BHXH, hằng năm được cơ quan BHXH xác nhận thời gian đóng BHXH. Ðây là cơ sở quan trọng để người lao động đối chiếu, giám sát trách nhiệm đóng BHXH của người sử dụng lao động (quy định hiện hành giao cho người sử dụng lao động quản lý).
 
3. Về chế độ, chính sách BHXH
 
Nhìn chung các thay đổi đều hướng đến tính nhân văn, nhân đạo và bảo đảm công bằng xã hội. Các thay đổi lớn và cơ bản nhất chủ yếu tập trung ở hai chế độ: thai sản và hưu trí.
 
4. Về chế độ thai sản
 
Bổ sung quy định lao động nam có vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 05 ngày làm việc đối với trường hợp sinh thường và 07 ngày làm việc đối với trường hợp sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi; 10 ngày làm việc nếu sinh đôi và từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc; 14 ngày làm việc nếu sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật; sửa đổi điều kiện hưởng chế độ thai sản trong trường hợp lao động nữ có thời gian đóng BHXH từ đủ 12 tháng nhưng vì lý do thai không bình thường phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì chỉ cần đảm bảo điều kiện đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con; sửa đổi thời gian lao động nữ nghỉ việc hưởng chế độ khi sinh con, nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi, bổ sung trường hợp lao động nam nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi được hưởng BHXH giống như lao động nữ nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi; sửa đổi quy định trong trường hợp chỉ có mẹ tham gia BHXH hoặc cả cha và mẹ đều tham gia BHXH mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ; trường hợp mẹ đóng BHXH bắt buộc nhưng chưa đủ thời gian đóng BHXH theo quy định mà chết thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi; bổ sung quy định trường hợp chỉ có cha tham gia BHXH mà mẹ chết sau khi sinh con hoặc gặp rủi ro sau khi sinh mà không có đủ sức khỏe để chăm sóc con có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo thẩm quyền thì người cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi; bổ sung trường hợp chỉ có cha tham gia BHXH khi vợ sinh con thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con; tăng thêm 01 tháng cho thời gian lao động nữ nghỉ thai sản trong trường hợp con dưới 02 tháng tuổi bị chết sau khi sinh; bổ sung quy định chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi.
 
5. Về chế độ hưu trí
 
Bổ sung quy định Lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc mà có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và đủ 55 tuổi thì được hưởng lương hưu (tuy nhiên, nếu lương hưu thấp hơn mức lương cơ sở thì không được bù bằng mức lương cơ sở).
 
Đối với trường hợp nghỉ hưu trước tuổi: Quy định lộ trình tăng tuổi hưởng lương hưu đối với nhóm bị suy giảm khả năng lao động như sau: Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu với mức thấp hơn do nghỉ hưu trước tuổi quy định. Sau đó mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2020 trở đi thì nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn do nghỉ hưu trước tuổi quy định. Trường hợp, nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi, có thời gian đóng BHXH từ đủ 20 năm trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn do nghỉ hưu trước tuổi quy định.
 

Danh mục chính

Tin tức nổi bật

Thống kê truy cập

Đang xem: 19 lượt

Tổng số đã xem: 1463808 lượt

090 574 6666