Thủ tục ghi vào sổ hộ tịch việc thay đổi hộ tịch theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền

Ngày đăng: 02/10/2020
Thủ tục ghi vào sổ hộ tịch việc thay đổi hộ tịch theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được quy định cụ thể tại Mục 6 Chương II Luật Hộ tịch 2014.
- Cơ quan có thẩm quyền: UBND cấp xã hoặc Cơ quan đại diện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây của cá nhân.
 
- Các trường hợp ghi vào Sổ hộ tịch việc thay đổi hộ tịch của cá nhân theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bao gồm:
+ Thay đổi quốc tịch;
+ Xác định cha, mẹ, con;
+ Xác định lại giới tính;
+ Nuôi con nuôi, chấm dứt việc nuôi con nuôi;
+ Ly hôn, hủy việc kết hôn trái pháp luật, công nhận việc kết hôn;
+ Công nhận giám hộ;
+ Tuyên bố hoặc huỷ tuyên bố một người mất tích, đã chết, bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
 
Luật hộ tịch 2014 đã phân định rõ ràng về các trường hợp ghi vào Sổ hộ tịch của cá nhân theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đồng thời, Luật Hộ tịch 2014 đã quy định thêm hai trường hợp so với quy định tại Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 về Đăng ký và quản lý hộ tịch, đó là: Công nhận giám hộ; Tuyên bố hoặc huỷ tuyên bố một người mất tích, đã chết, bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
 
- Trình tự thực hiện:
+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật liên quan đến các thay đổi hộ tịch trên, Tòa án nhân dân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo bằng văn bản kèm theo trích lục bản án, bản sao quyết định đến Ủy ban nhân dân nơi đã đăng ký hộ tịch của cá nhân để ghi vào Sổ hộ tịch; trường hợp nơi đăng ký hộ tịch là Cơ quan đại diện thì thông báo cho Bộ Ngoại giao để chuyển đến Cơ quan đại diện ghi vào Sổ hộ tịch.
Trường hợp thay đổi quốc tịch thì việc thông báo được thực hiện theo quy định của pháp luật về quốc tịch.
 
+ Ngay sau khi nhận được thông báo của cơ quan có thẩm quyền, công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung thay đổi vào Sổ hộ tịch theo bản án, quyết định của Tòa án nhân dân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
 
Luật Hộ tịch 2014 đã quy định cụ thể thời hạn Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thực hiện trách nhiệm thông báo đến Cơ quan nhà nước có thẩm quyền - nơi trước đây đã đăng ký sự kiện hộ tịch có liên quan đến việc thay đổi để ghi vào sổ hộ tịch.
 
Luật Hộ tịch 2014 quy định mỗi loại hộ tịch chỉ ghi 1 quyển (giảm 1 quyển so với quy định của Nghị định 158/2005/NĐ-CP). Do đó, các thay đổi hộ tịch không còn phải vừa ghi vào sổ hộ tịch lưu tại UBND cấp xã vừa ghi vào sổ hộ tịch lưu tại UBND cấp huyện.
 
Như vậy, Luật Hộ tịch 2014 ra đời với những quy định cụ thể hơn, thủ tục đơn giản hơn đã giúp cho công tác đăng ký và quản lý hộ tịch gần gũi hơn với người dân, phục vụ tốt hơn các yêu cầu của người dân.
 

Danh mục chính

Tin tức nổi bật

Thống kê truy cập

Đang xem: 25 lượt

Tổng số đã xem: 1465951 lượt

090 574 6666