Điểm mới của Luật Ban hành quy phạm pháp luật

Ngày đăng: 02/10/2020
Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 9 ngày 22/6/2015 và có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2016. Luật này gồm có 17 chương, 173 điều, thay thế cho Luật ban hành văn bản QPPL năm 2008 và Luật ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND năm 2004. 
iệc ban hành Luật năm 2015 đã khắc phục được những hạn chế khi cả hai Luật trên cùng song song tồn tại, đồng thời, tạo cơ sở cho việc áp dụng thống nhất trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản QPPL của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền ban hành văn bản QPPL ở trung ương và địa phương. Bên cạnh việc khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật năm 2008 và Luật năm 2004, Luật năm 2015 còn có nhiều điểm mới, cụ thể:
1. Hợp nhất hai Luật hiện hành về ban hành văn bản QPPL.
Luật ban hành văn bản QPPL năm 2008 và Luật ban hành văn bản QPPL của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2004 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc thiết lập trật tự, kỷ cương trong hoạt động xây dựng, ban hành văn bản QPPL ở trung ương và địa phương, góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, việc song song tồn tại cả 02 Luật cùng điều chỉnh về hoạt động xây dựng, ban hành văn bản QPPL, nhưng nội dung của hai Luật này lại có những quy định không thống nhất, thậm chí mâu thuẫn nhau. Để khắc phục thực trạng nêu trên, trên cơ sở kế thừa và phát triển 02 Luật hiện hành, Luật năm 2015 đã hợp nhất thành một Luật áp dụng thống nhất cho việc xây dựng, ban hành văn bản QPPL của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền ban hành văn bản QPPL ở trung ương và địa phương.
 
2. Về khái niệm văn bản quy phạm pháp luật và quy phạm pháp luật
 
Khái niệm “văn bản quy phạm pháp luật” đã được quy định lần đầu tiên trong Luật năm 1996; được kế thừa trong Luật năm 2008 và Luật năm 2004. Khái niệm này là căn cứ để các cơ quan có thẩm quyền phân biệt văn bản quy phạm pháp luật với văn bản hành chính và văn bản áp dụng pháp luật, góp phần hạn chế đáng kể số lượng văn bản hành chính có chứa quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, do cách định nghĩa trong Luật còn nặng về học thuật, lại chưa cụ thể nên đã gây khó khăn, lúng túng trong việc xác định văn bản nào là văn bản quy phạm pháp luật. Xuất phát từ ý nghĩa quan trọng của khái niệm văn bản quy phạm pháp luật và để khắc phục hạn chế từ thực tiễn triển khai, Luật năm 2015 đã tách khái niệm “Văn bản quy phạm pháp luật” và khái niệm “Quy phạm pháp luật”, cụ thể như sau:
 
- Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định, do cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền quy định trong Luật này ban hành và được Nhà nước bảo đảm thực hiện (khoản 1 Điều 3).
 
- Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản có chứa quy phạm pháp luật, được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật này.
 
- Văn bản có chứa quy phạm pháp luật nhưng được ban hành không đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật này thì không phải là văn bản quy phạm pháp luật (Điều 2).
 
3. Về hình thức văn bản quy phạm pháp luật.
 
So với Luật năm 2008 và Luật năm 2004, Luật mới đã giảm được 05 loại văn bản QPPL, gồm: (1) Nghị quyết liên tịch giữa Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc giữa Chính phủ với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội (trừ Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ với Đoàn chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam); (2) Thông tư liên tịch giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; (03) Chỉ thị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; (04) Chỉ thị của Ủy ban nhân dân cấp huyện; (05) Chỉ thị của Ủy ban nhân dân cấp xã. Đối với Nghị quyết liên tịch, chỉ giữ lại hình thức Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ với Đoàn chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tuy nhiên để phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật năm 2015 bổ sung hình thức văn bản QPPL của chính quyền đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Theo quy định tại Điều 3, hệ thống văn bản QPPL gồm 26 hình thức do 18 chủ thể có thẩm quyền ban hành, bao gồm:Hiến pháp;Bộ luật, luật; Nghị quyết của Quốc hội;Pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội;Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước;Nghị định của Chính phủ; Nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao;Thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh);Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;Văn bản QPPL của chính quyền đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương; Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện;Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã.
 
4. Về thẩm quyền, nội dung văn bản QPPL
 
Trên cơ sở quy định của Hiến pháp 2013 và các Luật về tổ chức bộ máy nhà nước (Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi); Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật kiểm toán nhà nước (sửa đổi), Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi)…, Luật năm 2015 đã xác định lại nội dung ban hành văn bản QPPL của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ban hành văn bản QPPL, từ trung ương đến địa phương. Cụ thể như sau:
 
- Đối với Luật, Nghị quyết của Quốc hội: Luật mới quy định rõ ràng, cụ thể những nội dung Quốc hội phải ban hành Luật và những nội dung Quốc hội ban hành Nghị quyết (Điều 15);
 
- Đối với Pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội (Điều 16);
 
- Đối với Lệnh, Quyết định của Chủ tịch nước (Điều 17);
 
- Đối với Nghị định của Chính phủ (Điều 19);
 
- Đối với văn bản QPPL của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: để khắc phục việc quy định dàn trải, thiếu rõ ràng của HĐND, UBND các cấp trong Luật năm 2004, Luật mới đã phân định rõ thẩm quyền ban hành văn bản QPPL của chính quyền cấp tỉnh, bao gồm: (1) quy định chi tiết những vấn đề được giao; (2) tổ chức, bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật tại địa phương; (3) quyết định những vấn đề cụ thể tại địa phương. Nội dung Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh và Quyết định của UBND cấp tỉnh được quy định cụ thể tại Điều 27 và Điều 28;
 
Ngoài ra, Luật mới cũng giới hạn nội dung ban hành văn bản QPPL của một số chủ thể sau đây:
 
- Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành Nghị quyết liên tịch để quy định chi tiết những vấn đề được Luật giao (Điều 18);
 
- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Thông tư liên tịch để quy định về việc phối hợp giữa các cơ quan này trong việc thực hiện trình tự, thủ tục tố tụng (Điều 25);
 
- Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã ban hành Nghị quyết, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã ban hành Quyết định để quy định những vấn đề được Luật giao (Điều 30).
 
5. Về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật
 
Luật năm 2015 bổ sung một điều để quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền tham gia vào quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật từ khâu lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chủ trì, tham gia soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, chỉnh lý, trình dự án, dự thảo đến ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, quy định cụ thể mối quan hệ về trách nhiệm giữa các chủ thể trong từng quy trình (chịu trách nhiệm trước ai?) và nội dung chịu trách nhiệm (chịu trách nhiệm về vấn đề gì?). Cụ thể như sau:
 
(1) Nhóm các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trình, soạn thảo dự án dự thảo văn bản quy phạm pháp luật:
 
- Cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trình dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chịu trách nhiệm về tiến độ trình và chất lượng dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do mình trình;
 
- Cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật chịu trách nhiệm trước cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trình hoặc cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền ban hành văn bản về tiến độ soạn thảo, chất lượng dự án, dự thảo văn bản được phân công soạn thảo.
 
(2) Nhóm các cơ quan thẩm định, thẩm tra; cơ quan tổ chức tham gia góp ý kiến:
 
- Cơ quan thẩm định chịu trách nhiệm trước cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trình hoặc cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về kết quả thẩm định đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
 
- Cơ quan thẩm tra chịu trách nhiệm trước cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về kết quả thẩm tra dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
 
- Cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền được đề nghị tham gia góp ý kiến về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chịu trách nhiệm về nội dung và thời hạn tham gia góp ý kiến.
 
(3) Nhóm các cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật:
 
- Quốc hội, Hội đồng nhân dân và cơ quan khác, người có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật chịu trách nhiệm về chất lượng văn bản do mình ban hành.
 
- Cơ quan, người có thẩm quyền chịu trách nhiệm về việc chậm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.
 
Ngoài ra, Luật năm 2015 cũng quy định trong trường hợp dự thảo văn bản quy phạm pháp luật không bảo đảm về chất lượng, chậm tiến độ, không bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định, cơ quan trình, cơ quan thẩm tra và cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải chịu trách nhiệm về việc không hoàn thành nhiệm vụ và tùy theo mức độ mà xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và quy định khác của pháp luật có liên quan.
 
6. Về các hành vi bị nghiêm cấm trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật
 
Luật năm 2015 bổ sung 01 điều quy định về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 14), bao gồm:ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, trái với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên; ban hành văn bản không thuộc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; không đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định tại Luật này.
 
Đặc biệt, khoản 4 Điều này quy định cấm các văn bản quy phạm pháp luật của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Tổng Kiểm toán Nhà nước; Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp quy định thủ tục hành chính, trừ trường hợp được luật giao, nhằm bảo đảm tốt hơn quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân theo tinh thần mới của Hiến pháp năm 2013.
 
7. Về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh
 
Thực tiễn cho thấy chương trình xây dựng luật, pháp lệnh toàn khóa của Quốc hội thường xuyên bị thay đổi do sự thay đổi của tình hình kinh tế - xã hội. Vì vậy, để bảo đảm tính chủ động, linh hoạt trong công tác lập pháp, phù hợp với thực tiễn quản lý điều hành, Luật năm 2015 không quy định về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội và chỉ giữ lại quy định về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm. Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm được quy định lồng ghép với quy trình xây dựng chính sách với nhiều điểm mới đột phá.
 
8. Về quy trình xây dựng, ban hành văn bản QPPL
 
So với 02 Luật hiện hành, Luật năm 2015 có một số điểm đổi mới cơ bản về quy trình xây dựng, ban hành văn bản như sau:
 
- Tách bạch quy trình xây dựng chính sách với quy trình soạn thảo luật, pháp lệnh, nghị định của Chính phủ và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, trong đó tập trung quy định về quy trình xây dựng chính sách;
 
- Đổi mới quy trình xây dựng, ban hành văn bản QPPL của một số cơ quan, người có thẩm quyền khác theo đó bổ sung quy định cụ thể hơn về trình tự, thủ tục soạn thảo, thẩm định, thẩm tra văn bản;
 
- Bổ sung nhiều quy định mới về việc tổ chức lấy ý kiến nhằm mở rộng dân chủ, tăng cường công khai, minh bạch trong xây dựng văn bản QPPL; tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân tham gia vào quá trình xây dựng văn bản QPPL.
 
9. Bảo đảm quyền kiến nghị về luật, pháp lệnh, quyền trình dự án luật, pháp lệnh của đại biểu Quốc hội
 
Để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013 về quyền “trình kiến nghị về luật, pháp lệnh và dự án luật, pháp lệnh” của đại biểu Quốc hội, Luật năm 2015 dành riêng 01 Điều quy định về quyền kiến nghị về luật, pháp lệnh, đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh của đại biểu Quốc hội (Điều 33), cụ thể như sau:
 
Thứ nhất, quy định rõ quyền sáng kiến lập pháp của đại biểu Quốc hội gồm quyền kiến nghị về luật, pháp lệnh và quyền đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; đồng thời phân biệt rõ giữa hai quyền này dựa trên các tiêu chí về căn cứ lập, quy trình, hồ sơ. Yêu cầu đối với đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh của đại biểu Quốc hội được quy định tương tự như các chủ thể khác có thẩm quyền đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh. Riêng đối với kiến nghị xây dựng luật, pháp lệnh, Luật quy định đơn giản hơn về căn cứ lập cũng như hồ sơ kiến nghị. Theo đó, kiến nghị về luật, pháp lệnh căn cứ vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; cam kết trong điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Về hồ sơ, đại biểu Quốc hội chỉ cần chuẩn bị văn bản kiến nghị, trong đó nêu rõ sự cần thiết ban hành luật, pháp lệnh; đối tượng, phạm vi điều chỉnh của luật, pháp lệnh; mục đích, yêu cầu ban hành luật, pháp lệnh; quan điểm, chính sách, nội dung chính của luật, pháp lệnh.
 
Thứ hai, bổ sung quy định cơ chế hỗ trợ đại biểu Quốc hội trong việc kiến nghị xây dựng luật, pháp lệnh, theo đó: (1) Đối với việc hỗ trợ lập văn bản kiến nghị, đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, khoản 3 và khoản 4 Điều 33 của Luật quy định đại biểu Quốc hội có quyền tự mình hoặc đề nghị Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Viện nghiên cứu lập pháp hỗ trợ trong việc lập văn bản kiến nghị về luật, pháp lệnh, hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh. Văn phòng Quốc hội có trách nhiệm đảm bảo các điều kiện cần thiết để đại biểu Quốc hội thực hiện quyền kiến nghị về luật, pháp lệnh, quyền đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; (2) Trong quá trình soạn thảo, khoản 1 Điều 56 quy định đại biểu Quốc hội có thể đề nghị Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Viện nghiên cứu lập pháp, cơ quan, tổ chức có liên quan hỗ trợ trong quá trình soạn thảo.
 
10. Về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn
 
- Kế thừa các trường hợp xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự thủ tục rút gọn được quy định tại Điều 75 Luật năm 2008, Luật năm 2015 bổ sung 03 trường hợp (Điều 146), gồm: (1) Trường hợp đột xuất, khẩn cấp trong phòng chống thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ; (2) Trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn theo quyết định của Quốc hội; (3)Trường hợp để ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần của văn bản quy phạm pháp luật trong một thời hạn nhất định.
 
- Về phạm vi các loại văn bản được áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn, Luật năm 2015 cơ bản giữ nguyên phạm vi như Luật năm 2008 nhưng thu hẹp phạm vi áp dụng so với Luật năm 2004, theo đó đối với văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương, trình tự, thủ tục rút gọn chỉ được áp dụng đối với nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (không áp dụng đối với văn bản của cấp huyện và cấp xã. - Quy định cụ thể, rõ ràng hơn trình tự, thủ tục xây dựng, xem xét, thông qua văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn (Điều 148, Điều 149). Ví dụ: trong trường hợp tổ chức lấy ý kiến thì thời hạn lấy ý kiến không quá 20 ngày; việc thẩm định, thẩm tra phải được tiến hành trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được dự thảo văn bản; quy trình xem xét, thông qua được thực hiện theo trình tự tương ứng với trình tự xem xét, thông qua văn bản đó.
 
- Quy định về thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo quy trình rút gọn: Văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn thì có thể có hiệu lực kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành, đồng thời phải được đăng ngay trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan ban hành và phải được đưa tin trên phương tiện thông tin đại chúng; đăng Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc Công báo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chậm nhất là sau 03 ngày kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành (khoản 2 Điều 151).
 
11. Về việc ban hành văn bản quy định chi tiết
 
Để nâng cao trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo cũng như khắc phục tình trạng nợ, đọng văn bản quy định chi tiết, Luật năm 2015 bổ sung một số quy định mới như:
 
- Quy định: “Dự thảo văn bản quy định chi tiết phải được chuẩn bị và trình đồng thời với dự án luật, pháp lệnh” (khoản 1 Điều 11); - Quy định trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền trong việc chậm ban hành văn bản quy định chi tiết(khoản 6 Điều 7).
 
- Bổ sung một mục (Mục 1 Chương V) gồm 02 điều quy định việc lập danh mục văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và ban hành danh mục văn bản quy định chi tiết. Bộ Tư pháp theo dõi, đôn đốc việc ban hành văn bản quy định chi tiết, định kỳ hằng quý và hằng năm báo cáo Chính phủ.
 
12. Về đăng Công báo, công bố, đăng tải, đưa tin văn bản quy phạm pháp luật
 
- So với Luật năm 2008, Luật năm 2015 không quy định “văn bản quy phạm pháp luật không đăng công báo thì không có hiệu lực thi hành” vì: trách nhiệm đăng Công báo văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan Công báo đã được quy định rõ ràng trong Luật này (khoản 4 Điều 150); hơn nữa, về mặt lý luận, việc không đăng Công báo hoặc đăng Công báo chậm không thể coi là căn cứ “phủ nhận” hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật đã được cơ quan, người có thẩm quyền được quy định trong Luật này thông qua.
 
- Bổ sung quy định về thẩm quyền, thời hạn công bố nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội (Điều 80). Theo đó, Luật giao Tổng thư ký Quốc hội công bố nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Thời hạn công bố chậm nhất là mười lăm ngày, kể từ ngày nghị quyết được thông qua, trừ nghị quyết được xây dựng, ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn (thời hạn công bố chậm nhất là 05 ngày, kể từ ngày luật, pháp lệnh được thông qua).
 
- Bổ sung quy định về việc đăng tải văn bản quy phạm pháp luật trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật; văn bản quy phạm pháp luật đăng tải trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật có giá trị sử dụng chính thức(Điều 157).
 
13. Về hiệu lực và nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật
 
13.1. Về hiệu lực trở về trước của văn bản quy phạm pháp luật (Điều 152)
 
- Luật năm 2015 quy định cụ thể hơn các trường hợp văn bản quy phạm pháp luật được quy định hiệu lực trở về trước: “Chỉ trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm lợi ích chung của xã hội, thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội…”;
 
- Về phạm vi các loại văn bản quy phạm pháp luật được quy định hiệu lực trở về trước,kế thừa quy định tại khoản 2 Điều 51 Luật năm 2004, Luật năm 2015 bổ sung văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cũng không được quy định hiệu lực trở về trước, đồng thời quy định rõ “văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan trung ương mới được quy định hiệu lực trở về trước”.
 
13.2. Về ngưng hiệu lực văn bản quy phạm pháp luật (Điều 153)
 
So với Luật năm 2008, ngoài trường hợp văn bản quy phạm pháp luật bị ngưng hiệu lực do bị đình chỉ việc thi hành, Luật năm 2015 bổ sung trường hợp ngưng hiệu lực văn bản pháp luật trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản đó quyết định ngưng hiệu lực trong một thời hạn nhất định để giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội phát sinh. Bên cạnh đó, để khắc phục hạn chế của Luật năm 2008, đồng thời bảo đảm tính công khai, minh bạch, hạn chế vi phạm pháp luật, Luật năm 2015quy định rõ thời hạn đăng Công báo, đưa tin về quyết định văn bản ngưng hiệu lực, đình chỉ việc thi hành, xử lý văn bản pháp luật chậm nhất sau 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định.
 
13.3. Về trường hợp văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực (Điều 154)
 
Các trường hợp văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực được quy định trên cơ sở kế thừa Luật năm 2008 và Luật năm 2004. Tuy nhiên, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và nâng cao trách nhiệm của cơ quan trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết, Luật năm 2015 bổ sung 01 khoản quy định “Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực”.
 
13.4. Về nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật (Điều 156)
 
Để bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn ở nước ta, so với Luật năm 2008, Luật năm 2015 bổ sung 01 khoản tại Điều 156 quy định về nguyên tắc ưu tiên áp dụng điều ước quốc tế khi văn bản pháp luật trong nước và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề. Cụ thể như sau: “Việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật trong nước không được cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật trong nước và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau vềcùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp”.
 
14. Về các điều kiện bảo đảm cho công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Điều 171)
 
Để tăng cường tính chuyên nghiệp đối với những người làm công tác xây dựng pháp luật: Luật bổ sung quy định trách nhiệm của Nhà nước có chính sách để thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ, công chức tham gia xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; hiện đại hóa phương tiện, hạ tầng kỹ thuật phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ được quy định tại Luật này.
 
- Bảo đảm kinh phí xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật: Luật xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm kinh phí trong từng giai đoạn xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật từ giai đoạn xây dựng chính sách, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, chỉnh lý đến hoàn thiện, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
 
Bên cạnh đó, Luật ban hành văn bản QPPL năm 2015 còn có nhiều điểm mới về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn; bảo đảm việc thực hiện quyền sáng kiến lập pháp của đại biểu Quốc hộ; mở rộng dân chủ, tăng cường tính công khai, minh bạch trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Danh mục chính

Tin tức nổi bật

Thống kê truy cập

Đang xem: 8 lượt

Tổng số đã xem: 1465640 lượt

090 574 6666