Các dấu hiệu cơ bản của người bị coi là phạm tội bức tử ?

Ngày đăng: 13/11/2020
Người phạm tội đã có hành vi đối xử một cách tàn nhẫn, có hành động gây đau khổ cho người lệ thuộc mình. Sự đau khổ của nạn nhân có thể là sự đau khổ về thể xác hoặc tinh thần...
Hỏi: Các dấu hiệu cơ bản của người bị coi là phạm tội bức tử ?
 
Đáp: Người bị coi là phạm tội bức tử khi có một trong những hành vi sau đây:
 
- Đối xử tàn ác với nạn nhân
 
Người phạm tội đã có hành vi đối xử một cách tàn nhẫn, có hành động gây đau khổ cho người lệ thuộc mình. Sự đau khổ của nạn nhân có thể là sự đau khổ về thể xác hoặc tinh thần như: bị đánh đập, bị bỏ đói, bị bỏ rét, bắt làm việc nặng nhọc, không cho học hành, vui chơi... Hành vi này không chỉ bị pháp luật cấm mà dư luận xã hội cũng lên án.
 
- Thường xuyên ức hiếp nạn nhân
 
Là hành vi dựa vào quyền hành, sức mạnh, tiền tài để đè nén, buộc người lệ thuộc mình phải chịu đựng điều bất công phi lý như: bị đánh mà không được kêu khóc, hai người đều có lỗi như nhau nhưng chỉ phạt một người; cùng có kết quả lao động như nhau nhưng người này được trả công ít hơn người kia, v.v..
 
Hành vi ức hiếp phải xảy ra thường xuyên thì mới coi là tội phạm. Nếu chỉ xảy ra một vài lần thì chưa coi là hành vi bức tử.
 
Ví dụ: vợ chồng Nguyễn Văn B chỉ có một đứa con gái. Do được nuông chiều từ nhỏ nên con gái của vợ chông B thường bỏ nhà đi chơi, không chịu học hành. Một hôm, con gái của B đi chơi về khuya, B bực tức tát con gái một cái và nói: "lần sau còn như thế thì đừng về cái nhà này nữa". Đêm hôm đó con gái của B đã uống thuốc ngủ tự tử.
 
- Ngược đãi đối với nạn nhân
 
Là hành vi đối xử một cách tàn nhẫn, trái với lẽ phải, với đạo đức giữa con cái đối với bố mẹ, giữa các cháu đối với ông bà, giữa vợ chồng với nhau, v.v..
 
Lẽ phải và đạo đức là những quy tắc xử sự trong xã hội, những truyền thống của một dân tộc. Người có hành vi ngược đãi là làm ngược lại những quy tắc, những truyền thống đó, như con cái phải kính trọng bố mẹ, vợ chồng phải có nghĩa vụ yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, nhưng người phạm tội lại làm ngược lại.
 
Ví dụ Bà Trần Thị T ở quê lên thăm con trai là Phạm Văn Đ ở thành phố, bà T làm gì cũng bị Đ mắng là ngu, đần, đến bữa ăn, vợ chồng Đ không cho bà T ngồi ăn cùng mâm mà bắt bà phải ăn sau ở nhà bếp. Đ còn bắt bà T phải ăn những thức ăn thừa. Đ luôn miệng nhiếc móc và đuổi mẹ về. Thậm chí còn nguyền rủa bà chết đi cho rảnh. Bà T thấy con vì buôn bán có tiền nên không kính trọng mẹ nữa nhưng bà vẫn chịu đựng vì bà chỉ có mình Đ là con. Một hôm, do sơ ý, bà T làm vỡ chiếc phích đựng nước liền bị Đ quát tháo, chửi mắng thậm tệ. Vì quá uất ức với con trai, nên đêm hôm đó bà T đã uống thuốc tự tử.
 
- Làm nhục nạn nhân
 
Người phạm tội đã có hành vi làm tổn thương đến nhân phẩm, danh dự người thệ thuộc mình bằng lời nói hoặc hành động như xỉ vả trước đám đông, tung tin thất thiệt để người khác tưởng thật là nạn nhân xấu xa. Ví dụ: chị H là con dâu của ông M, chồng chị H là bộ đội. Ông M nghe dư luận chị H có quan hệ bất chính với anh T, ông M tra khảo chị H, nhưng chị H không nhận có quan hệ bất chính với anh T, nên ông M đã lột hết quần áo của chị H, cạo đầu bôi vôi rồi đuổi ra đường. Chị H thấy bị sỉ nhục, quá uất ức đã uống thuốc sâu tự tử.
 
 
Tòa nhà HSLAWS, Số 183 Trường Chinh, Khương Mai, Thanh Xuân, Hà Nội.
Điện thoại: 043 724 6666; Di động: 090  574 6666

Danh mục chính

Tin tức nổi bật

Thống kê truy cập

Đang xem: 26 lượt

Tổng số đã xem: 1467032 lượt

090 574 6666