Trường hợp người phạm tội có hành động xảo quyệt, hung hãn nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm

Ngày đăng: 12/11/2020
Hành động xảo quyệt là những việc làm gian dối một cách thâm hiểm, khó mà lường thấy được. Hành động hung hãn là kẻ phạm tội có hành vi rất dữ tợn, phá phách, đánh chết người ...
Câu hỏi: Pháp luật quy định tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự trường hợp người phạm tội có hành động xảo quyệt, hung hãn nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm như thế nào?
 
Trả lời:
 
Hành động xảo quyệt là những việc làm gian dối một cách thâm hiểm, khó mà lường thấy được.
 
Hành động hung hãn là kẻ phạm tội có hành vi rất dữ tợn, phá phách, đánh chết người để tẩu thoát.
 
Hành động xảo quyệt hoặc hung hãn của bị cáo là nhằm mục đích trốn tránh, che giấu tội phạm. Những hành động này cản trở hoạt động tư pháp của cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, làm cho tội phạm mà bị cáo thực hiện khó bị phát hiện hoặc có nguy cơ khó phát hiện. Ví dụ, sau khi giết người, can phạm đã băm vằm mặt nạn nhân làm mặt nạn nhân bị biến dạng không ai nhận ra nữa, hoặc chặt đầu nạn nhân đem cất giấu một nơi; hoặc sau khi giết người mang xác nạn nhân để trên đường tàu cho tàu nghiến đứt với ý định để mọi người tưởng là tai nạn.
 
Mức độ tăng nặng trách nhiệm hình sự của tình tiết này phụ thuộc vào tính chất và mức độ xảo quyệt, hung hãn mà bị cáo thực hiện sau khi phạm tội.
 
Ngoài các tình tiết trên, Tòa án không được xem các tình tiết nào khác để coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự khi quyết định hình phạt. Đây cũng là một đặc điểm khác với các tình tiết giảm nhẹ.
 
Bộ luật hình sự năm 1985 có quy định tình tiết phạm tội trong thời gian đang chấp hành hình phạt là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, Bộ luật hình sự năm 1999 không còn quy định tình tiết này là tình tiết tăng nặng, do đó khi quyết định hình phạt, Tòa án không được coi trường hợp đang chấp hành hình phạt mà phạm tội là tình tiết tăng nặng nữa. Việc nhà làm luật không quy định tình tiết này là tình tiết tăng nặng là hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc xử lý, bởi vì một người đang chấp hành hình phạt là người đã bị kết án, nếu phạm tội mới trong khi chấp hành hình phạt cũng tức là đã tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm, nếu lại coi là tình tiết tăng nặng nữa tức là một hành vi phạm tội phải chịu xử lý hai lần.
 
 
Tòa nhà HSLAWS, Số 183 Trường Chinh, Khương Mai, Thanh Xuân, Hà Nội.
Điện thoại: 043 724 6666; Di động: 090  574 6666

Danh mục chính

Tin tức nổi bật

Thống kê truy cập

Đang xem: 12 lượt

Tổng số đã xem: 1444302 lượt

090 574 6666