Những đặc điểm của tội phạm

Ngày đăng: 11/11/2020
Hành vi nguy hiểm cho xã hội là hành vi đã gây ra hoặc đe dọa gây a thiệt hại đáng kể đến các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Các quan hệ đó là: độc lập, chủ quyền...
Câu hỏi: Pháp luật quy định tội phạm có những đặc điểm gì?
 
Trả lời:
 
a) Hành vi nguy hiểm cho xã hội
 
Hành vi nguy hiểm cho xã hội là hành vi đã gây ra hoặc đe dọa gây a thiệt hại đáng kể đến các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Các quan hệ đó là: độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa. Nếu thiệt hại gây ra hoặc đe dọa gây ra không đáng kể thì không phải là hành vi nguy hiểm cho xã hội và không bị coi là hành vi phạm tội.
 
Việc đánh giá hành vi nào là hành vi nguy hiểm cho xã hội phụ thuộc vào tình hình phát triển của xã hội và yêu cầu đấu tranh phòng ngừa tội phạm. Nếu trước đây, hành vi trộm cắp dưới 2 triệu đồng được coi là hành vi nguy hiểm cho xã hội và người thực hiện hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản, thì hiện nay, hành vi này không bị coi là hành vi nguy hiểm cho xã hội nữa. Ngược lại có hành vi trước đây chưa được coi là hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhưng nay lại coi là nguy hiểm cho xã hội và được coi là tội phạm.
 
Khi đã xác định một hành vi nguy hiểm cho xã hội cũng tức là đã coi hành vi đó là hành vi phạm tội, tuy nhiên người thực hiện hành vi đó có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không còn phải căn cứ vào các yếu tố khác như: tuổi chịu trách nhiệm hình sự, lỗi và các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự
 
b) Hành vi nguy hiểm cho xã hội phải được quy định trong Bộ luật hình sự
 
Việc nhà làm luật quy định chỉ những hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự mới là tội phạm nhằm gạt bỏ việc áp dụng nguyên tắc tương tự. Chỉ có Bộ luật hình sự mới được quy định tội phạm, ngoại Bộ luật hình sự, không có văn bản pháp luật nào khác được quy định tội phạm. Trước khi Bộ luật hình sự năm 1985 được ban hành, đã có một thời gian dài các Tòa án vận dụng đường lối, chính sách để xét xử một số hành vi mà pháp luật hình sự không quy định là tội phạm như: hành vi bức tử, hành vi xúi giục hoặc giúp sức người khác tự sát, hành vi không cứu giúp người khác đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, hành vi đe dọa giết người, v.v..
 
Sau khi Bộ luật hình sự năm 1985 được ban hành, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, việc nhà làm luật quy định những hành vi nguy hiểm cho xã hội nhất thiết phải được quy định trong Bộ luật hình sự sẽ dẫn đến tình trạng hình sự hóa một cách tuyệt đối. Trong khi đó ở nhiều nước trên thế giới chỉ quy định tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong luật hình sự hoặc tội phạm là hành vi trái pháp luật hình sự. Mặt khác, tại Điều 2 Bộ luật hình sự năm 1985 chỉ quy định: “Chỉ người nào phạm một tội đã được luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự”, trong khi đó khái niệm tội phạm quy định tại Điều 8 Bộ luật hình sự năm 1985 lại quy định “ Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự”
 
c) Chủ thể của tội phạm phải là người có năng lực trách nhiệm hình sự.
 
Chủ thể của tội phạm là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhưng không phải ai thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội cũng đều là chủ thể của tội phạm, mà chỉ những người có năng lực trách nhiệm hình sự mới là chủ thể của tội phạm
 
Bộ luật hình sự không quy định năng lực trách nhiệm hình sự là gì, mà chỉ quy định tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự ( Điều 12 ). Từ quy định này, chúng ta có thể hiểu chủ thể của tội phạm phải là người ở một độ tuổi nhất định và là người có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình
 
Trong một số trường hợp chỉ một hoặc một số người mới là chu thể của tội phạm, khoa học luật hình sự gọi là chủ thể đặc biệt.
 
d) Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội phải là người có lỗi
 
Lỗi là thái độ tâm lý của người đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội và hậu quả của hành vi đó dưới hình thức cố ý hoặc vô ý.
 
Khoa học luật hình sự coi lỗi là một dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của tội phạm. Nếu một hành vi nguy hiểm cho xã hội không bị coi là có lỗi thì người có hành vi nguy hiểm cho xã hội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự
 
Tội phạm là hành vi có lỗi, tính có lỗi là thuộc tính cơ bản của tội phạm, là cơ sở để buộc một người phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và hậu quả của hành vi đó gây ra. Luật hình sự Việt Nam không chấp nhận hình thức buộc tội khách quan; tội phạm là hành vi tổng hợp các yếu tố chủ quan và khách quan, các yếu tố này có liên quan chặt chẽ với nhau trong một thể thống nhất. Có thể nói lỗi la một nguyên tắc cơ bản trong luật hình sự Việt Nam, nên trong Điều 8 Bộ luật hình sự khi định nghĩa về tội phạm đã nêu: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội … thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý …”
 
Theo khái niệm tội phạm được quy định tại Điều 8 Bộ luật hình sự thì hành vi phạm tội chỉ được thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý.
 
Một người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nếu không có lỗi thì không bị coi là hành vi phạm tội. Bộ luật hình sự quy định một số trường hợp không phải là tội phạm do người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không có lỗi như: sự kiện bất ngờ ( Điều 11 ), phòng vệ chính đáng ( Điều 15 ), tình thế cấp thiết ( Điều 16 )
 
đ) Khách thê của tội phạm
 
Khách thể của tội phạm là các quan hệ xã hội bị xâm phạm mà các quan hệ xã hội đó được Bộ luật hình sự bảo vệ
 
Đây cũng là một đặc điểm mà thiếu nó thì không phải là tội phạm. Các quan hệ xã hội thì có nhiều, do ngành luật điều chỉnh, nhưng Bộ luật hình sự chỉ bảo vệ những quan hệ có liên quan trực tiếp đến độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân và những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa.
 
Khách thể là một yếu tố rất quan trọng của tội phạm; các hành vi xâm phạm đến các quan hệ xã hội không phải là khách thể của tội phạm thì không phải là tội phạm; hiểu rõ khách thể của tội phạm giúp chúng ta xác định tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, phân biệt tội phạm này với tội phạm khác.
 
 
Tòa nhà HSLAWS, Số 183 Trường Chinh, Khương Mai, Thanh Xuân, Hà Nội.
Điện thoại VP: 04 3724 6666 ; Di động : 090 574 6666

Danh mục chính

Tin tức nổi bật

Thống kê truy cập

Đang xem: 24 lượt

Tổng số đã xem: 1434094 lượt

090 574 6666