Hình phạt tước một số quyền công dân

Ngày đăng: 12/11/2020
Tước một số quyền công dân là việc Tòa án cấm người bị kết án thực hiện một số quyền công dân được quy định trong Hiến pháp và pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ...
Câu hỏi: Hình phạt tước một số quyền công dân được pháp luật quy định như thế nào ?
 
Trả lời:
 
Tước một số quyền công dân là việc Tòa án cấm người bị kết án thực hiện một số quyền công dân được quy định trong Hiến pháp và pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
 
Theo quy định của Hiến pháp, thì công dân có rất nhiều quyền về các lĩnh vực chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội như: quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội; quyền lao động; quyền tự do kinh doanh; quyền sở hữu; quyền học tập, nghiên cứu khoa học; quyền tự do đi lại, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do tín ngưỡng; quyền bất khả xâm phạm về thân thể, về chỗ ở; quyền khiếu nại, tố cáo, v.v... Người bị kết án chỉ có thể bị tước một hoặc một số quyền sau:
 
 - Quyền ứng cử, quyền bầu cử đại biểu cơ quan quyền lực nhà nước;
 
 - Quyền làm việc trong các cơ quan nhà nước và quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.
 
Theo quy định tại Điều 83 và Điều 119 Hiến pháp năm 1992, thì cơ quan quyền lực nhà nước là Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Vì vậy, tước quyền ứng cử, quyền bầu cử đại biểu cơ quan quyền lực nhà nước là Tòa án cấm người bị kết án ứng cử và bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Nếu Tòa án chỉ tước quyền ứng cử thì người bị kết án vẫn được bầu đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
 
Tước quyền làm việc trong các cơ quan nhà nước là Tòa án cấm người bị kết án thi tuyên vào làm việc trong bất cứ cơ quan nhà nước nào từ Trung ương đến địa phương, tức là người bị kết án không được trở thành cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước.
 
Cơ quan nhà nước là một bộ phận của bộ máy nhà nước, thay mặt Nhà nước thực hiện những chức năng và nhiệm vụ nhất định, có quyền hạn và chức năng nhất định, có cơ cấu, phạm vi hoạt động riêng. Căn cứ vào Hiến pháp năm 1992, các cơ quan nhà nước bao gồm: Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp ( cơ quan quyền lực ); Chính phủ, các bộ, các cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân ( cơ quan hành pháp ); các Tòa án, các Viện kiểm sát (cơ quan tư pháp)
 
Tước quyền phục vụ trong các lực lượng vũ trang nhân dân là cấm người bị kết án phục vụ trong các đơn vị Quân đội và Công an. Các đơn vị Quân đội và Công an không được tuyển những người bị Tòa án cấm phục vụ trong các lực lượng vũ trang nhân dân.
 
So với Bộ luật hình sự năm 1985, Bộ luật hình sự năm 1999 không tước quyền đảm nhiệm cương vị phụ trách trong các tổ chức xã hội. Việc nhà làm luật bỏ loại hình phạt tước quyền đảm nhiệm cương vị phụ trách trong các tổ chức xã hội là hoàn toàn phù hợp với sự phát triển của xã hội vì ở nước ta hiện nay có rất nhiều tổ chức xã hội, có tổ chức với quy mô rộng lớn, được tổ chức chặt chẽ và là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhưng cũng có tổ chức chỉ mang tính nghề nghiệp hoặc tôn giáo với quy mô nhỏ. Việc cấm người bị kết án đảm nhiệm cương vị phụ trách trong các tổ chức này không có ý nghĩa phòng ngừa tội phạm.
 
Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tước một số quyền công dân đối với người bị kết án là công dân Việt Nam bị phạt tù về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm khác trong những trường hợp do Bộ luật hình sự quy định. Tuy nhiên, ngoài các tội xâm phạm an ninh quốc gia, thì Bộ luật hình sự không quy định trường hợp phạm tội nào người bị kết án bị tước một số quyền công dân với ý nghĩa là một loại hình phạt độc lập. Tuy nhiên, loại hình phạt tước một số quyền công dân được áp dụng trong trường hợp người bị kết án bị quản chế.
 
 
Tòa nhà HSLAWS, Số 183 Trường Chinh, Khương Mai, Thanh Xuân, Hà Nội.
Điện thoại: 043 724 6666; Di động: 090  574 6666

Danh mục chính

Tin tức nổi bật

Thống kê truy cập

Đang xem: 9 lượt

Tổng số đã xem: 1436436 lượt

090 574 6666