Chuẩn bị phạm tội

Ngày đăng: 11/11/2020
Theo Điều 17 Bộ luật hình sự thì chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm. Người chuẩn bị phạm một tội rất nghiêm trọng ...
Hỏi: Trường hợp chuẩn bị phạm tội được quy định thế nào trong bộ luật hình sự?
 
Trả lời:
 
Theo Điều 17 Bộ luật hình sự thì chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm. Người chuẩn bị phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng phải chịu trách nhiệm hình sự.
 
Chuẩn bị phạm tội là một giai đoạn trong quá trình thực hiện tội phạm, nhưng ở giai đoạn này người phạm tội chưa thực hiện hành vi thuộc mặt khách quan của cấu thành tội phạm, tức là chưa có hành vi xâm phạm đến đối tượng tác động. Ví dụ: A chuẩn bị kìm cộng lực, van phá khóa định đến nhà H cắt phá khóa trộm cắp tài sản của gia đình H, nhưng bị em phát hiện nên A không thực hiện hành vi trộm cắp tại nhà H.
 
Hành vi chuẩn bị phạm tội thường được thể hiện dưới các dạng sau:
 
- Chuẩn bị kế hoạch phạm tội như: bàn bạc, phân công trách nhiệm cho từng người, kế hoạch tiêu thụ tài sản hay kế hoạch che giấu tội phạm ... Dạng chuẩn bị phạm tội này thường xảy ra đối với những tội phạm được thực hiện có đồng phạm hoặc có tổ chức. Tuy nhiên cũng có trường hợp tội phạm chỉ do một người thực hiện vẫn có sự chuẩn bị kế hoạch phạm tội. Ví dụ: A có ý định đầu độc B, tự A đã vạch ra một kế hoạch như mua thuốc độc ở đâu, bỏ thuốc độc vào nước cho B uống như thế nào, sau khi B trúng độc thì làm thế nào để che giấu được tội phạm ...
 
- Thăm dò hoặc tìm địa điểm phạm tội, dạng chuẩn bị này chủ yếu đối với các tội xâm phạm sở hữu hoặc xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của công dân. Ví dụ: A muốn trộm cắp nhà B, nên A đã nhiều lần đến nhà B thăm dò xem gia đình B thường vắng mặt nhà vào giờ nào, quy luật sinh hoạt của gia đình ra sao để tiến hành trộm cắp.
 
- Chuẩn bị công cụ phương tiện phạm tội: chuẩn bị xe máy để đi cướp giật, chuẩn bị dao để giết người, chuẩn bị thuốc nổ để hủy hoại tài sản, chuẩn bị xăng để đốt nhà, chuẩn bị thuốc mê đê làm cho người có tài sản uống nhằm chiếm đoạt tài sản của họ, chuẩn bị giấy tờ giả mạo để lừa đảo ...
 
- Loại trừ trước những trở ngại khách quan để thực hiện tội phạm được thuận lợi, dễ dàng như: ngắt cầu dao điện để đêm đột nhập vào kho trộm tài sản, cho các con đi nghỉ mát để ở nhà giết vợ được dễ dàng ...
 
Như vậy chuẩn bị phạm tội là hành vi tạo ra tiền đề (điều kiện) cần thiết cho việc thực hiện tội phạm. Hành vi chuẩn bị phạm tội có ảnh hưởng lớn đến kết quả của việc thực hiện tội phạm, chuẩn bị càng chu đáo, công phu bao nhiêu thì việc thực hiện tội phạm càng đạt kết quả bấy nhiêu. Tuy nhiên, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi chuẩn bị phạm tội được đánh giá và phân biệt thành hai loại: Loại hành vi chuẩn bị phạm tội phải truy cứu trách nhiệm hình sự và loại không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mặc dù cả hai loại đều chưa gây ra hậu quả, nhưng tính chất nguy hiểm của hành vi chuẩn bị phạm tội có khác nhau và sự khác nhau đó lại không phụ thuộc vào tính chất và mức độ của hành vi chuẩn bị phạm tội mà nó hoàn toàn phụ thuộc vào tính chất nghiêm trọng của tội phạm mà người đó định thực hiện.
 
Luật hình sự nước ta chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi chuẩn bị phạm tội mà tộ đó là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Nếu theo quy định này thì người chuẩn bị phạm tội do vô ý vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên theo lý luận thì chỉ có tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý (cố ý trực tiếp) thì mới có giai đoạn chuẩn bị phạm tội. Do đó sẽ không có hành vi chuẩn bị phạm tội mà tội phạm đó sẽ được thực hiện do vô ý.
 
Theo quy định của bộ luật hình sự thì những người chuẩn bị phạm tội luôn luôn là tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng, vấn đề trách nhiệm hình sự của người có hành vi chuẩn bị phạm tội không có gì khó khăn; nhưng đối với các tội vừa là tội nghiêm trọng vừa là tội ít nghiêm trọng thì việc loại trừ trách nhiệm hình sự đối với hành vi chuẩn bị phạm tội trong một số trường hợp khó xác định.
 
Ví dụ: một người chuẩn bị phạm trộm cắp tài sản vì chưa thực hiện hành vi phạm tội nên chưa biết hậu quả do hành vi phạm tội xảy ra như thế nào, tài sản mà người phạm tội chiếm đoạt có giá trị lớn hay không để xác định họ phạm tội theo khoản 1 hay khoản 2 của Điều 138 bộ luật hình sự. Nếu trong quá trình điều tra người phạm tội nhận sẽ trộm cắp tài sản có giá trị lớn để xác định tội phạm theo khoản 2 Điều 138, nhưng nếu người phạm tội chỉ nhận gặp gì cũng lấy hoặc không chứng minh được người phạm tội định lấy tài sản có giá trị lớn thì theo nguyên tắc suy đoán có lợi cho người phạm tội thì họ được loại trừ trách nhiệm hình sự nếu như họ chỉ mới chuẩn bị phạm tội.
 
Tương tự như vậy đối với tội cố ý gây thương tích, nếu người phạm tội không khẳng định mục đích của mình gây thương tích nặng cho người bị hại hoặc không chứng minh được là họ có mục đích gây thương tích nặng cho người bị hại, thì họ cũng được loại trừ trách nhiệm hình sự nếu họ mới chuẩn bị phạm tội.
 
 
Tòa nhà HSLAWS, Số 183 Trường Chinh, Khương Mai, Thanh Xuân, Hà Nội.
Điện thoại VP: 04 3724 6666 ; Di động : 090 574 6666
 
PHẢN HỒI KHÁCH HÀNG
 
trần thị thảo nói:
 
cho tôi hỏi: có hiện tượng đồng phạm trong giai đoạn chuẩn bị phạm tội không?
 
Nguyễn Hoàng Hải Yến nói:
 
Xin hỏi trong các giai đoạn thực hiện tội phạm có các giai đoạn sau: chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt và tội phạm hoàn thành. Vậy xác định dùm em khi nào giai đoạn chuẩn bị phạm tội xong để bước qua giai đoạn phạm tội chưa đạt?? (Giai đoạn chuẩn bị phạm tội đến thời điểm nào được xem là hoàn thành giai đoạn này?)
 
hathiduyen nói:
 
cho tôi hỏi " người chuẩn bị phạm tội chưa trực tiếp xâm hại đến quan hệ xã hội có được luật hình sự bảo vê không?

Danh mục chính

Tin tức nổi bật

Thống kê truy cập

Đang xem: 33 lượt

Tổng số đã xem: 1458939 lượt

090 574 6666