Biện pháp trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại hoặc buộc công khai xin lỗi

Ngày đăng: 12/11/2020
Theo quy định tại Điều 42 Bộ luật hình sự, thì người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại ...
Câu hỏi: Biện pháp trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại hoặc buộc công khai xin lỗi được áp dụng khi nào?
 
Trả lời:
 
Theo quy định tại Điều 42 Bộ luật hình sự, thì người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra.
 
Tòa án chỉ buộc người phạm tội phải trả lại tài sản đã bị chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, khi tài sản đó còn đúng giá trị khi người phạm tội chiếm đoạt, nếu tài sản đó đã bị hư hỏng thì buộc người phạm tội phải sửa chữa hoặc bồi thường cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử có trường hợp, tài sản do người phạm tội chiếm đoạt nhưng lại bán một cách trái phép cho người khác và người mua không biết tài sản đó là tài sản bị chiếm đoạt. Sau khi mua, người mua đã cải tạo, sửa chữa làm tăng giá trị của tài sản đó, thì Tòa án vẫn buộc người chiếm hữu bất hợp pháp (người mua nhầm phải của gian) phải trả lại tài sản bị chiếm đoạt cho sở hữu chủ có yêu cầu.
 
Các thiệt hại về vật chất là những thiệt hại có thể tính ra bằng tiền, nếu thiệt hại nào không thể tính ra bằng tiền được thì không phải là thiệt hại về vật chất mà có thể là thiệt hại về tinh thần như: danh dự, nhân phẩm, uy tín. Riêng đối với thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người, không phải là những thiệt hại về vật chất, vì giết chết một người thì không thể làm cho người đó sống lại được hoặc chặt gãy một cánh tay thì không thể làm cho cánh tay đó lành lại như cũ được; nhưng do xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của con người nên dẫn đến những thiệt hại vật chất khác như: tiền mai táng, tiền chạy chữa vết thương, các khoản thu nhập do bị xâm phạm nên bị mất, các khoản chi phí cho việc mai táng, chạy chữa, … những khoản tiền này buộc người phạm tội phải bồi thường cho người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại.
 
Trong trường hợp người phạm tội gây thiệt hại về tinh thần, Tòa án buộc người phạm tội phải bồi thường về vật chất, công khai xin lỗi người bị hại. Việc Tòa án buộc người phạm tội phải công khai xin lỗi người bị hại, thực tiễn xét xử không có gì vướng mắc, nhưng việc bồi thường về vật chất đối với thiệt hại về tinh thần rất khó xác định.
 
Việc quy định buộc người phạm tội phải bồi thường về vật chất những thiệt hại về tinh thần là một quy định mới có từ khi ban hành Bộ luật hình sự. Cho đến nay, chưa có hướng dẫn nào của các cơ quan có thẩm quyền về bồi thường thiệt hại tinh thần do hành vi phạm tội gây ra, nên thực tiễn xét xử mỗi Tòa án áp dụng khác nhau, có Tòa án buộc người phạm tội phải bồi thường về tinh thần 3 triệu đồng, có Tòa án buộc bồi thường 5 triệu đồng, cá biệt có Tòa án buộc bồi thường 10 triệu đồng. Hy vọng rằng, các vấn đề này sẽ sớm được các cơ quan chức năng hướng dẫn.
 
 
Tòa nhà HSLAWS, Số 183 Trường Chinh, Khương Mai, Thanh Xuân, Hà Nội.
Điện thoại: 043 724 6666; Di động: 090  574 6666

Danh mục chính

Tin tức nổi bật

Thống kê truy cập

Đang xem: 10 lượt

Tổng số đã xem: 1436038 lượt

090 574 6666