Hậu quả của giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện

Ngày đăng: 04/11/2020
Điều 146 Bộ luật Dân sự 2005 quy định về hậu quả của giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện như sau:
Điều 146: Hậu quả của giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện 
 
“1. Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, trừ trường hợp người được đại diện đồng ý hoặc biết mà không phản đối; nếu không được sự đồng ý thì người đại diện phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình về phần giao dịch vượt quá phạm vi đại diện.
 
2. Người đã giao dịch với người đại diện có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hoặc huỷ bỏ giao dịch dân sự đối với phần vượt quá phạm vi đại diện hoặc toàn bộ giao dịch dân sự và yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp người đó biết hoặc phải biết về việc vượt quá phạm vi đại diện mà vẫn giao dịch.
 
3. Trong trường hợp người đại diện và người giao dịch với người đại diện cố ý xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vượt quá phạm vi đại diện mà gây thiệt hại cho người được đại diện thì phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại”.
 
- Cũng tương tự như trường hợp giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện thực hiện không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ dân sự của người được đại diện, trường hợp quy định tại Điều 146 Bộ luật dân sự năm 2005 là trường hợp người đại diện xác lập và thực hiện giao dịch dân sự vượt quá phạm vi đại diện. Sự vượt quá phạm vi đại diện trong trường hợp này thông thường là đại diện theo ủy quyền,người được đại diện khi ủy quyền đã xác định rõ cho người đại diện thay mặt mình xác lập, thực hiện các giao dịch gì. Người đại diện xác lập, thực hiện ngoài các giao dịch đã được xác định khi người được đại diện ủy quyền gọi là vượt quá phạm vi đại diện. Trong trường hợp người đại diện đang hoặc đã xác lập, thực hiện giao dịch vượt quá phạm vi ủy quyền mà người được đại diện đồng ý (có thể do người đại diện thông báo cho người được đại diện biết hoặc người được đại diện tự mình biết hoặc do người thứ ba thông cho người được đại diện biết), hoặc người được đại diện biết mà không phản đối thì giao dịch đó có hiệu lực với người được đại diện. Nếu người được đại diện không đồng ý xác lập và thực hiện giao dịch, thì phần giao dịch dân sự do người đại diện xác lập và thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không có hiệu lực đối với người được đại diện. Người đại diện phải chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ dân sự với người đã giao dịch với mình nhưng không phải nhân danh người được đại diện.
 
- Người đã giao dịch với người đại diện không những có quyền đơn phương chấm dứt việc thực hiện phần giao dịch vượt quá phạm vi đại diện, mà còn có quyền hủy bỏ toàn bộ giao dịch dân sự mà yêu cầu người đại diện bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp người đã giao dịch dân sự với người đại diện mà biết hoặc buộc phải biết về việc vượt quá phạm vi đại diện thì người đó không có quyền đơn phương chấm dứt hay hủy bỏ giao dịch dân sự và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Ví dụ: việc ủy quyền đã được lập thành văn bản trong đó xác định rõ các công việc mà người đại diện được quyền thực hiện. Vì vậy, người đã xác lập giao dịch dân sự buộc phải biết giao dịch mà người đại diện xác lập với mình có nằm trong phạm vi đại diện hay không.
 
- Khoản 3 Điều 146 Bộ luật dân sự năm 2005 dự liệu trường hợp có sự thông đồng giữa người đại diện và người thứ ba để xác lập giao dịch vượt quá phạm vi đại diện, gây thiệt hại cho người được đại diện. Trong trường hợp đó người đại diện và người thứ ba phải liên đới bồi thường thiệt hại.
 
Nguồn tham khảo: Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2005, Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp, PGS.TS Hoàng Thế Liên (Chủ biên) 

Danh mục chính

Tin tức nổi bật

Thống kê truy cập

Đang xem: 13 lượt

Tổng số đã xem: 1464091 lượt

090 574 6666