Thủ tục cải chính tên mẹ trên giấy khai sinh của con

Ngày đăng: 30/10/2020
Thủ tục cải chính tên mẹ trên giấy khai sinh của con...
Hỏi: Anh A cưới vợ là B, nhưng B chưa đủ tuổi kết hôn, gia đình đã lấy chứng minh nhân dân của chị C (chị của B) để đăng ký kết hôn năm 2006. Trong giấy khai sinh của hai đứa con đều lấy họ, tên người mẹ là C (vì căn cứ vào giấy chứng nhận kết hôn). Đến nay, người cha muốn cải chính tên người mẹ từ C sang B. Xin hỏi có cách nào để xử lý trường hợp như trên không?
 
Đáp:
 
Về quan hệ hôn nhân, hủy việc kết hôn trái pháp luật:
 
Việc kết hôn giữa anh A và chị C rõ ràng là có sự lừa dối và bị coi là kết hôn trái pháp luật do vi phạm điều kiện kết hôn do pháp luật quy định. Anh A, chị C hoặc những người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật theo quy định tại Điều 15 Luật hôn nhân gia đình có thể tự mình yêu cầu Tòa án hoặc đề nghị Viện kiểm sát yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật.
 
Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán tại Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP thì kết hôn trái pháp luật là việc xác lập quan hệ vợ chồng có đăng ký kết hôn nhưng vi phạm điều kiện kết hôn do pháp luật quy định, tức là việc đăng ký kết hôn đó phải do cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 12 Luật Hôn nhân gia đình thực hiện và việc tổ chức đăng ký kết hôn phải được thực hiện theo đúng nghi thức quy định tại Điều 14 Luật hôn nhân gia đình năm 2000.
 
Do vậy, trường hợp thực tiễn bạn nêu ra cần phải xác định tới hai khả năng:
 
- Thứ nhất: Nếu khi tổ chức đăng ký kết hôn anh A và chị C cùng có mặt và được đại diện cơ quan đăng ký kết hôn trao Giấy chứng nhận kết hôn theo nghi thức kết hôn tại Điều 14 Luật hôn nhân gia đình thì khi có yêu cầu, Tòa án xem xét và quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật giữa anh A và chị C. Căn cứ vào quyết định của Tòa án, cơ quan đăng ký kết hôn xóa đăng ký kết hôn trong Sổ đăng ký kết hôn.
 
- Thứ hai: Nếu khi tổ chức đăng ký kết hôn anh A và chị C không cùng có mặt (có thể là vắng mặt chị C) tức là việc đăng ký kết hôn đã không thực hiện theo nghi thức kết hôn tại Điều 14 Luật hôn nhân gia đình nên việc kết hôn đó không có giá trị pháp lý và thực tế A và C cũng không chung sống với nhau như vợ chồng. Nếu có yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật, thì mặc dù có vi phạm một trong các điều kiện kết hôn, Tòa án không tuyên bố hủy kết hôn trái pháp luật mà họ áp dụng khoản 1 Điều 11 Luật hôn nhân gia đình, tuyên bố không công nhận họ là vợ chồng.
 
Tuy trên thực tế A và B đã chung sống với nhau như vợ chồng nhưng về mặt pháp lý thì giữa hai người không tồn tại quan hệ hôn nhân. Để được pháp luật công nhận là vợ chồng thì sau khi có quyết định của Tòa án về việc chấm dứt quan hệ vợ chồng giữa A và C thì anh A và chị B nên đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 12 Luật hôn nhân gia đình để làm thủ tục đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật.
 
Về quyền nhận cha, mẹ, con và làm lại giấy khai sinh:
 
Quyền nhận cha, mẹ, con là quyền nhân thân bất khả xâm phạm của cá nhân. Bộ luật dân sự quy định người không được nhận là cha, mẹ hoặc là con của người khác có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định mình là cha, mẹ hoặc là con của người đó. Nếu việc nhận cha, mẹ, con là tự nguyện và không có tranh chấp thì người nhận có quyền làm thủ tục đăng ký hộ tịch theo quy định tại Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký quản lý hộ tịch.
 
Như vậy, để xác định chị B là mẹ của hai con, gia đình nên làm thủ tục đăng ký việc nhận cha, mẹ, con tại UBND cấp xã nơi cư trú của chị B và các con. Hồ sơ đăng ký gồm: Tờ khai (theo mẫu quy định); ) Giấy khai sinh (bản chính hoặc bản sao) của con; Các giấy tờ, đồ vật hoặc các chứng cứ khác để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con (nếu có). Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu xét thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng sự thật và không có tranh chấp, thì Ủy ban nhân dân cấp xã đăng ký việc nhận cha, mẹ, con. Trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn nói trên được kéo dài thêm không quá 5 ngày.
 
Vì giấy khai sinh của hai người con trước đây đã ghi tên chị C vào phần khai về người mẹ nên sau khi có quyết định công nhận mẹ là chị B thì gia đình anh A, chị B làm thủ tục cải chính giấy khai sinh theo quy định tại mục 7 chương 2 Nghị định 158/2005/NĐ-CP (tức là cải chính nội dung đã được đăng ký trong Sổ đăng ký khai sinh và bản chính giấy khai sinh nhưng có sai sót trong khi đăng ký). Thẩm quyền cải chính tùy thuộc vào độ tuổi của người con; nếu người con dưới 14 tuổi thì thẩm quyền cải chính thuộc UBND cấp xã nơi đã đăng ký khai sinh trước đây; nếu người con từ đủ 14 tuổi trở lên thì thẩm quyền cải chính là UBND cấp huyện mà trong địa hạt của huyện đó đương sự đã đăng ký khai sinh trước đây. 
 
 
Tòa nhà HSLAWS, Số 183 Trường Chinh, Khương Mai, Thanh Xuân, Hà Nội.
Điện thoại VP: 04 3724 6666 ; Di động : 090 574 6666

Danh mục chính

Tin tức nổi bật

Thống kê truy cập

Đang xem: 95 lượt

Tổng số đã xem: 1549378 lượt

090 574 6666