Hình thức đối tác công tư và những điểm mới của Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư

Ngày đăng: 20/10/2020
Trong tình hình nhu cầu vốn đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật của cả nước nói chung và mỗi địa phương nói riêng đang ngày càng gia tăng mà ngân sách nhà nước thì có hạn, vốn của các nhà tài trợ ngày càng thu hẹp thì mô hình đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP) có khả năng như một đòn bẩy để huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân cả trong và ngoài nước cho đầu tư cơ sở hạ tầng trong thời điểm hiện nay.
Luật đầu tư 2014 và Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) vừa chính thức được ban hành đánh dấu một bước đổi mới về thể chế trong hoạt động thu hút đầu tư tư nhân vào kết cấu hạ tầng và dịch vụ công, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp.
 
Vậy PPP là gì ? Vì sao PPP lại trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư?
 
Theo quy định của Luật đầu tư 2014 thì nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án sẽ ký kết hợp đồng PPP với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện dự án đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp, mở rộng, quản lý và vận hành công trình kết cấu hạ tầng hoặc cung cấp dịch vụ công. Như vậy, có thể hiểu, PPP là hình thức hợp tác để thực hiện dự án đầu tư công trình kết cấu hạ tầng hoặc cung cấp dịch vụ công giữa Nhà nước và doanh nghiệp, trong đó Nhà nước sẽ thiết lập các tiêu chuẩn về cung cấp dịch vụ và doanh nghiệp được khuyến khích cung cấp bằng cơ chế thanh toán theo chất lượng dịch vụ. Đây là hình thức hợp tác tối ưu hóa hiệu quả đầu tư và cung cấp dịch vụ công cộng chất lượng cao, nó sẽ mang lại lợi ích cho cả nhà nước và người dân.
 
Những điểm giúp PPP hấp dẫn nhà đầu tư
 
Thứ nhất, doanh nghiệp sẽ được Nhà nước tạo điều kiện, hỗ trợ về các thủ tục pháp lý thực hiện dự án.

Thứ hai, với việc tham gia vào cơ chế PPP, khu vực tư nhân có được nhiều cơ hội đầu tư mang tính dài hạn hơn, ít rủi ro hơn với sự bảo đảm của Nhà nước. Từ đó, tạo ra sự ổn định và tăng trưởng cho khu vực tư nhân, thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp địa phương cũng như tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn cho người lao động.
 
Thứ ba, nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi ích phát sinh từ chính việc kinh doanh công trình đó. Nhà nước có được lợi ích từ dịch vụ công cộng được cung cấp chất lượng cao, tận dụng được nguồn lực tài chính và quản lý tư nhân, trong khi vẫn đảm bảo lợi ích cho người dân. Trước đây, chúng ta đã có các quy định về đầu tư theo PPP dưới hình thức BOT, BT, BTP... Cụ thể, văn bản đầu tiên là Nghị định 87/CP ban hành năm 1993 về quy chế đầu tư theo hình thức BOT. Trước khi Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ra đời, thì 2 văn bản pháp lý quan trọng cho hình thức PPP là Nghị định 108/2009/NĐ-CP về BOT, BTO, BT và Quyết định 71/2010/QĐ-TTg về thí điểm dự án PPP. Tuy nhiên, hai văn bản này đã làm cho các nhà đầu tư và nhà quản lý đôi lúc lẫn lộn, có người hiểu PPP không phải là BOT, có người hiểu BOT chính là PPP. Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 10/04/2015 đã tạo ra một khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh, đầy đủ hơn cho chương trình PPP.
 
So với những văn bản trước đây về hình thức PPP, Nghị định này đã có những thay đổi tích cực, cụ thể như sau:
 
Thứ nhất, Nghị định số 15/2015/NĐ-CP đã tiếp thu những chính sách phát triển kết cấu hạ tầng của Diễn đàn kinh tế thế giới trong thời kì mới, thêm vào là bối cảnh đất nước ta đang triển khai những kế hoạch nhằm tái cấu trúc đầu tư công để thu hút mạnh mẽ đầu tư tư nhân nước ngoài, nguồn vốn từ các thị trường tài chính quốc tế tham gia dự án hạ tầng, bên cạnh việc tiếp tục khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư trong nước.
 
Thứ hai, PPP trong Nghị định số 15/2015/NĐ-CP là sự mở rộng nhiều lĩnh vực của đầu tư công truyền thống, mở ra cho các địa phương có thêm một giải pháp để tháo gỡ những khó khăn trong các dự án đầu tư dự án công, từ kết cấu hạ tầng đến giao thông, điện, cấp thoát nước đến các dịch vụ công trong lĩnh vực xã hội như y tế, giáo dục, dạy nghề, thể thao, văn hoá.
 
Thứ ba là việc bổ sung thêm các loại hợp đồng mới. Bên cạnh các hợp đồng cũ như BOT, BTO, BT thì sau Nghị định có thêm các hợp đồng BOO, O&M, BTL, BLT. Theo đó, có 2 nhóm hợp đồng. Một là, nhà đầu tư thu phí trực tiếp người sử dụng hoặc tạo doanh thu thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Hai là, nguồn thu của nhà đầu tư đến từ việc thanh toán nhiều lần của cơ quan nhà nước phụ thuộc vào chất lượng, tiến độ của nhà đầu tư thực hiện.
 
Thứ tư là yêu cầu nhà đầu tư chú ý vào khâu chuẩn bị dự án qua đó sẽ tăng chất lượng cũng như giúp chúng ta chủ động hơn khi ra chào thị trường quốc tế cũng như trong nước. Một trong số các điểm mới của Nghị định số 15/2015/NĐ-CP là yêu cầu nhà đầu tư phải nghiên cứu và chuẩn bị đầu tư bài bản trước khi chọn nhà đầu tư thực hiện.
 
Thứ năm là Nghị định mới về PPP chú trọng kiểm soát đầu ra thay vì đầu vào. Đây là cách tiếp cận mới, theo đó làm rõ các yêu cầu về chất lượng của công trình, dịch vụ sẽ được cung cấp, không định hướng cho một loại công nghệ, giải pháp triển khai. Nhà đầu tư có giải pháp công nghệ tối ưu sẽ được lựa chọn thông qua đấu thầu để đảm bảo chất lượng cao nhất.
 
Thứ sáu là làm rõ hai phương thức tham gia vào dự án của nhà đầu tư.
 Cụ thể : Phương thức thứ nhất là nhà nước xác định ý tưởng, đề xuất và báo cáo nghiên cứu khả thi. Nhà đầu tư được tham vấn trong quá trình chuẩn bị dự án, đấu thầu giành quyền thực hiện dự án. Đây là cách làm chủ đạo với các dự án thuộc quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội và quy hoạch ngành.
Phương thức thứ hai là nhà đầu tư đề xuất ý tưởng, lập đề xuất dự án và báo cáo nghiên cứu khả thi. Khi có báo cáo được duyệt, cơ quan nhà nước tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Nhà đầu tư đề xuất dự án được hưởng mức ưu đãi nhất định trong đấu thầu, trường hợp không trúng thầu sẽ được hoàn trả chi phí nghiên cứu dự án.
 
Thứ bảy là xác định rõ vai trò của nhà nước. Nghị định số 15/2015/NĐ-CP xác định vai trò của nhà nước trong đầu tư PPP: Là một bên, một đối tác của hợp đồng, thực hiện cam kết, chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư; Nhiệm vụ xây dựng kết cấu hạ tầng, kiểm soát về chất lượng và hiệu quả đầu tư.
 
Cuối cùng là rút gọn thủ tục đối với dự án nhóm C. So với thông lệ quốc tế là chỉ thực hiện dự án PPP có quy mô lớn, Nghị định số 15/2015/NĐ-CP quy định bổ sung với cả các dự án nhỏ là dự án nhóm C theo Luật Đầu tư công. Đây là điểm mới phù hợp với Việt Nam, đặc biệt là với các dự án nông nghiệp, phát triển nông thôn… có ý nghĩa lớn cho cộng đồng. Để tạo tính linh hoạt, Nghị định còn quy định thủ tục rút gọn với các dự án này là: không phải thực hiện các bước như lập báo cáo nghiên ứu, không phải thành lập doanh nghiệp dự án và không cần thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng kí đầu tư.
 
Với PPP, các địa phương có thêm một kênh thu hút vốn để tháo gỡ những khó khăn trong các dự án trong đầu tư các dự án công. PPP được ưu tiên trong quá trình hoạch định và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội trong những năm tới. Việc ra đời Nghị định riêng về PPP cũng sẽ tạo ra một khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh, đầy đủ hơn, đồng thời phát đi tín hiệu mạnh mẽ về cam kết của Chính phủ đối với hình thức đầu tư có nhiều cơ hội này cho khối doanh nghiệp tư nhân, kể cả trong và ngoài nước.
TIN TỨC LIÊN QUAN

Danh mục chính

Tin tức nổi bật

Thống kê truy cập

Đang xem: 20 lượt

Tổng số đã xem: 1423873 lượt

090 574 6666