Gia tăng dân số và những thách thức

Ngày đăng: 20/10/2020
Năm 2001, nước ta bắt đầu thực hiện Chiến lược dân số giai đoạn 2001 -2010 với các mục tiêu: Thực hiện gia đình ít con, khoẻ mạnh, tiến tới ổn định quy mô dân số ở mức hợp lý để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc...
Năm 2001, nước ta bắt đầu thực hiện Chiến lược dân số giai đoạn 2001 -2010 với các mục tiêu: Thực hiện gia đình ít con, khoẻ mạnh, tiến tới ổn định quy mô dân số ở mức hợp lý để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc; nâng cao chất lượng dân số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu công nghiệp hoá, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Trong việc thực hiện Chiến lược đó, mặc dù chúng ta đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tỷ lệ sinh đã giảm đáng kể, nhưng mức độ lại không đồng đều, có lúc chững lại và đột biến gia tăng. Vậy thực tế dân số Việt Nam đang ở tình trạng nào? Nguyên nhân của thực trạng đó và những thách thức đối với vấn đề dân số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay ra sao? Nhân ngày Dân số thế giới (11.7), chúng ta cùng nhau phân tích, lý giải những vấn đề về tình trạng dân số ở nước ta hiện nay.
 
Gia tăng dân số và những thách thức đáng báo động
 
Theo thống kê của Tổng cục Dân số – Kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGĐ) đầu năm 2008, tổng số trẻ sinh ra trong quý I năm 2008 đã tăng hơn 18.000 trẻ (tăng 7,2%) so với cùng kỳ năm 2007. Trong đó, có tới 39/64 tỉnh/thành phố có mức sinh tăng mạnh: Sóc Trăng (tăng 41,2%), Sơn La (40%), thành phố Hồ Chí Minh (30,2%), Hà Nội (27,6%), Phú Thọ (23%) Cũng theo Tổng cục DS-KHHGĐ, trong thời gian này, số trẻ mới sinh ra là con thứ 3 khoảng 182.000 trẻ, tăng hơn 35% so với cùng thời điểm năm 2007. Đặc biệt, đối tượng sinh con thứ 3 không chỉ dừng lại ở những hộ nông dân mà gần đây lại tập trung chủ yếu ở đối tượng công chức nhà nước, những gia đình khá giả. Cùng với đó, tỷ lệ mất cân bằng giới tính cũng đang khá cao, ở nhiều địa phương, số trẻ em trai đã vượt số trẻ em gái từ 20 đến 25%. Có 16 tỉnh/thành phố có tỷ lệ giới tính khi sinh từ 115 đến 128 nam/100 nữ và 20 tỉnh/thành phố là 111 đến 120 nam/100 nữ.
 
Bấy lâu này người Việt Nam vẫn thường xem vấn đề “nhập khẩu” vợ là chuyện khác thường, nhưng có thể một ngày gần đây viễn cảnh sẽ hiện hữu như một thực tế. Cách đây 10 năm, tỷ lệ giới tính ở Việt Nam ngang bằng với mức độ trung bình của thế giới (100 bé gái thì có 105-107 bé trai), nhưng trong vài năm trở lại đây, khi chúng ta thực hiện cuộc vận động dân số với khẩu hiệu dừng lại ở 1-2 con để nuôi dạy cho tốt đã góp phần hạn chế mức sinh, nhưng lại làm cho các gia đình phải cân nhắc, lựa chọn giới tính thai nhi để sinh bằng được con trai. Hệ quả là, khoảng cách tỷ lệ giới tính (số trẻ em trai/trẻ em gái) ở nước ta ngày càng tăng cao. Cụ thể, năm 2000, tỷ lệ này mới ở mức bình thường là 106/100, thì đến cuối năm 2007 đã lên đến mức báo động là 126/100. Tỷ lệ này gia tăng theo số lần sinh, đặc biệt đối với những gia đình sinh con thứ 3 trở lên. ở nhiều vùng, số lượng bé trai đã vượt số lượng bé gái 20-25%. Mặt khác, tình trạng phụ nữ di cư lấy chồng nước ngoài có xu hướng tăng ở một số địa phương. Thực tế này không bao lâu nữa sẽ dẫn đến tình trạng nhiều bé trai khi trưởng thành sẽ không lấy được vợ, giống như tình trạng của Trung Quốc. Nguy cơ này có thể dẫn đến sự bất ổn xã hội như: ẩu đả, hiếp dâm, buôn bán phụ nữ qua biên giới… tăng lên.
 
Khu vực nông thôn, miền núi vẫn còn nặng về quan niệm con trai hơn con gái, công việc gia đình là trách nhiệm của riêng phụ nữ, định hướng nghề nghiệp vẫn theo hướng truyền thống… nên việc đầu tư cho trẻ em gái trong học tập không được chú ý và quan tâm nhiều như với trẻ em trai. Việc làm này tiếp tục là nguy cơ tiềm ẩn về trình độ, năng lực và tay nghề của phụ nữ thấp, khiến họ chỉ có thể làm được những công việc không ổn định, ở những nơi có điều kiện làm việc thiếu thốn, thu nhập thấp, bấp bênh, dễ mất việc làm hoặc không được bảo hiểm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai.
 
Đến hết năm 2008, Việt Nam sẽ hết thời hạn nhận tài trợ các phương tiện tránh thai (PTTT) hiện đại (bao cao su, thuốc ngừa thai)*. Theo đó, đến năm 2009, Việt Nam sẽ thiếu 80% số lượng PTTT hiện đại bởi chưa có cam kết cung cấp nào từ phía các nhà tài trợ. Theo tính toán của các chuyên gia dân số, mỗi năm, nhu cầu cần 100-150 tỷ đồng mua PTTT nhưng ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng được khoảng 10%. Đó là một bài toán ngân sách đối với các cơ quan, ban/ngành. Và một thách thức nữa trong vấn đề này là việc xã hội hoá cung cấp PTTT không thu được nhiều kết quả như mong đợi bởi từ nhiều năm nay, nhiều người dân vẫn được cung cấp miễn phí thuốc tránh thai, bao cao su. Sự khủng hoảng này là mối đe dọa cực kỳ nguy hiểm, rất dễ dẫn đến bùng nổ dân số.
 
Nguyên nhân
 
Một là, đời sống của một số gia đình ngày càng khá giả, vấn đề nuôi con không còn là gánh nặng nên có nhu cầu sinh thêm con.
 
Hai là, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” theo kiểu “chồng chúa, vợ tôi”, “xuất giá tòng phu”, “mười gái không bằng một trai” vẫn còn tồn tại trong ý nghĩ của một bộ phận dân cư, nhất là ở các vùng ven biển, vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi lẽ, họ cho rằng con trai có trách nhiệm nhiều hơn con gái trong việc phụng dưỡng, chăm sóc cha mẹ khi về già và lo liệu ma chay, thờ cúng sau khi cha mẹ mất, đồng thời tâm lý sinh con trai còn để dự phòng trong trường hợp rủi ro (tai nạn, tệ nạn xã hội…).
 
Ba là, nhiều địa phương còn có cán bộ, đảng viên sinh con thứ 3 trở lên, đã tác động không tốt đến phong trào vận động nhân dân thực hiện KHHGĐ.
 
Bốn là, hiểu biết của các cặp vợ chồng về việc sử dụng các biện pháp phòng tránh thai còn hạn chế.
 
Năm là, tỷ lệ gia tăng tự nhiên theo quy luật. Với sự phát triển của kinh tế, khoa học và công nghệ, tỷ lệ chết ngày càng giảm, dẫn đến tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên (tỷ lệ sinh – tỷ lệ chết) ngày càng tăng. Tỷ lệ sinh hiện nay ở nước ta ước lượng là 15% tỷ lệ chết xấp xỉ 5%, như vậy, chỉ một phép tính thông thường cũng cho thấy, hiện nay tỷ lệ gia tăng dân số sinh tự nhiên ở nước ta là 10%. Đây là con số cộng dồn cố định vào mức tăng dân số của nước ta mỗi năm.
 
Sáu là, đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số và cộng tác viên (CTV) dân số còn mỏng, chất lượng chưa đồng đều, nhiều địa phương cán bộ dân số phải đảm nhiệm khối công việc rất lớn, chế độ phụ cấp thấp. Mặc dù Nghị quyết số 47 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ phải có chính sách khuyến khích thỏa đáng tinh thần và vật chất cho đội ngũ này, song thực tế cho thấy, ngân sách của một số địa phương hiện nay huy động để hỗ trợ, khuyến khích cho lực lượng làm công tác dân số ở cơ sở vẫn còn hạn chế.
 
Bảy là, nhận thức về công tác DS-KHHGĐ ở nhiều địa phương còn chưa đúng, chưa đồng đều, dẫn đến việc đầu tư nguồn nhân lực làm công tác này còn hạn chế. Chưa kể đến việc không có chế tài thống nhất xử lý các trường hợp sinh con thứ 3 trở lên, nên hầu hết các địa phương khó thực hiện. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ, còn phó mặc cho cán bộ chuyên trách cơ sở…
 
Tám là, sự thay đổi về tổ chức. Năm 2007, tổ chức bộ máy ngành dân số, gia đình và trẻ em (DSGĐ&TE) có những thay đổi lớn. Việc giải thể Uỷ ban DSGĐ&TE, sáp nhập bộ phận dân số về Bộ Y tế (nhưng 6 tháng sau mới có quyết định chính thức thành lập Tổng cục DS-KHHGĐ) đã ít nhiều làm xáo trộn tâm tư của đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác dân số ở nhiều tỉnh/thành phố trong cả nước, đặc biệt là đội ngũ CTV, cán bộ chuyên trách ở cơ sở không khỏi băn khoăn, lo lắng. Một trong những khó khăn trước mắt, đó là làm sao duy trì ổn định lực lượng CTV dân số (7.200 người) tại các thôn, bản, xã, phường, những người đã bao năm lăn lộn với phong trào “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động bà con thực hiện KHHGĐ. Nhờ có đội ngũ CTV dân số mà công tác DS – KHHGĐ của các tỉnh/thành phố đã được đẩy mạnh, tăng cường đến các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, nơi có mức sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 cao.
 
Chín là, sự phát triển của khoa học và công nghệ. Có thể nói sự mất cân bằng giới còn có nguyên nhân từ sự phát triển của khoa học và công nghệ. Y học ngày càng phát triển đã giúp việc sinh con theo ý muốn, làm cho tỷ lệ bé trai được sinh ra tăng lên rõ rệt. Thông qua sự hỗ trợ của các biện pháp như siêu âm, lựa chọn giới tính nhờ ăn uống, các cặp vợ chồng có thể lựa chọn giới tính thai nhi theo mong muốn.
 
Thay lời kết
 
Mất cân bằng giới tính, mức sinh có xu hướng tăng trở lại, tất yếu sẽ tác động xấu đến sự phát triển của xã hội. Do đó, chúng ta cần có một chiến lược đầu tư lâu dài cho công tác dân số – sức khoẻ sinh sản. Giải pháp quan trọng nhất chính là tăng cường thông tin – giáo dục – truyền thông, đi đôi với việc sẵn sàng các dịch vụ kỹ thuật hỗ trợ, nhấn mạnh yêu cầu bảo vệ sức khỏe sinh sản lành mạnh. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, các sở, ban, ngành, đoàn thể về công tác dân số, trong đó trọng tâm là tạo sự chuyển đổi hành vi tự nguyện và bền vững về công tác dân số nói chung và sức khoẻ sinh sản, KHHGĐ nói riêng. Đặc biệt, trong thời điểm hiện nay, việc ổn định cơ cấu tổ chức, hoạt động của bộ máy mới sau khi tách nhập lĩnh vực DSGĐ&TE về các ngành cần được tiến hành nhanh chóng. Cần thực hiện chế tài về dân số một cách nghiêm túc. Cán bộ, công nhân viên chức nhà nước sinh con thứ 3 trở lên phải bị xử lý kỷ luật theo quy định của Nhà nước; thành viên của các đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội sinh con thứ 3 trở lên thì bị xử lý theo quy định của quy chế, quy định của đoàn thể, tổ chức; đảng viên sinh con thứ 3 trở lên thì bị xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng. Ngoài ra, cần chú trọng việc biểu dương những tấm gương phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà để thay đổi cách nhìn nhận của nam giới về năng lực của người phụ nữ. Phụ nữ, họ không chỉ là những người chỉ giỏi việc nhà mà họ còn có khả năng làm rất tốt những công việc bên ngoài xã hội.
 
* Mối lo biến động dân số, ngày 28.12.2007 (website: http://dantri.com.vn).
 
SOURCE: TẠP CHÍ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC SỐ 7 NĂM 2008
TIN TỨC LIÊN QUAN

Danh mục chính

Tin tức nổi bật

Thống kê truy cập

Đang xem: 11 lượt

Tổng số đã xem: 1384721 lượt

090 574 6666